Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, có thể thấy rõ qua số lượng công ty Việt Nam có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD đã tăng từ 10 công ty vào năm 2015 lên gần 50 công ty hiện nay. Tổng giá trị vốn hóa TTCK tăng mạnh từ 30% lên 90% GDP của Việt Nam, tương đương với các nước trong khu vực.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng gấp đôi trong năm 2020, và số lượng trong nửa đầu năm 2021 cũng nhiều hơn số tài khoản mới trong năm 2019 và 2020 cộng lại.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng Vinacapital nhận định số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến đã góp thêm động lực thúc đẩy sự phát triển của TTCK và có thể là sự khởi đầu của xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ.
Sự sôi động của thị trường theo vị chuyên gia có một phần nguyên nhân từ việc giảm khoảng 1,5% lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn một năm. Lãi suất bắt đầu giảm từ đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế khi tiền gửi đáo hạn.
“Nhà đầu tư Việt Nam vốn ưu tiên đầu tư vào bất động sản, vàng rồi mới đến chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản gần đây giảm dần vì một số lý do, bao gồm chậm tiến độ xây dựng do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi vàng cũng mất dần sức hút khi chênh lệch mua bán đã thu hẹp từ năm ngoái và giá trong nước cũng cao hơn thế giới 17%.
Trong bối cảnh không có nhiều giải pháp đầu tư khác hấp dẫn hơn, ngày càng có nhiều người gửi tiết kiệm trong nước chuyển sang chứng khoán", ông Michael Kokalari nói.
Tỷ lệ người dân tham gia chứng khoán ở Việt Nam đang tương tự với Đài Loan cách đây 35 năm. |
Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng sự nhiệt tình hiện tại của các nhà đầu tư cá nhân là một dấu hiệu tích cực về xu hướng tiếp tục phát triển của TTCK Việt Nam, dù sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường vẫn còn khiêm tốn.
Cụ thể số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số và con số này tương đương với tỷ lệ người dân Đài Loan có tài khoản chứng khoán cá nhân vào năm 1986.
“Việt Nam áp dụng “mô hình phát triển Đông Á” như cách Đài Loan và nhiều thị trường trong khu vực từng áp dụng để phát triển thịnh vượng thì chúng tôi tin rằng TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ”, ông Michael Kokalari tin tưởng.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người tham gia chứng khoán lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Đây là mục tiêu khả thi nếu so sánh với quá trình gia nhập thị trường của nhà đầu tư cá nhân ở Đài Loan trong giai đoạn phát triển kinh tế tương tự Việt Nam hiện nay.
Một yếu tố tích cực khác là việc nâng cấp lên hệ thống do Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phát triển có khả năng sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2022, đồng thời cung cấp thêm các tính năng mới như hỗ trợ được giao dịch bán khống và giao dịch T+0…
Vị chuyên gia kết luận làn sóng nhà đầu tư cá nhân và thu nhập doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ sẽ là một bước tiến mới trong sự phát triển của TTCK mà VinaCapital dự đoán diễn ra trong suốt những thập kỷ tới.