Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư tại Tập đoàn VinaCapital - nhận định Việt Nam đang cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Do đó, với tâm lý đón đầu sự tăng trưởng của nền kinh tế ngay cả trong thời kỳ đại dịch, thị trường chứng khoán nóng lên là điều tất yếu.
Theo ông, thị trường chưa xuất hiện bong bóng và vẫn sẽ tích cực cho đến cuối năm với niềm tin rằng Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát và giữ lãi suất ở mức như hiện tại.
Ngân hàng và bất động sản dẫn dắt thị trường
- Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay?
- VN-Index đã tăng 15% trong năm 2020 và 22% tính từ đầu năm đến ngày 11/6/2021, đưa Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á.
Theo chúng tôi, lý do của sự tăng trưởng ấn tượng này đến từ thành công trong việc phòng chống và kiểm soát đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy GDP tăng trưởng dương trong năm 2020 (+2,9%) và quý 1/2021 (+4,48%), tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chứng kiến sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư mới trong nước, với giá trị giao dịch của sàn HOSE vượt 30.000 tỷ/ngày. Đây là một kỷ lục về giá trị giao dịch của sàn HOSE từ lúc thành lập đến hiện nay.
Tăng trưởng mạnh mẽ của chỉ số VN-Index và giá trị giao dịch trên HOSE phần lớn nhờ vào sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước, khi chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn so với kênh tiết kiệm lãi suất khá thấp hiện nay.
Tính riêng tháng 5 đã có 114.000 tài khoản chứng khoán được mở mới, và tính từ đầu năm đến tháng 5 là 480.000 tài khoản. Con số này cao hơn 20% số lượng tài khoản chứng khoán được mở trong cả năm 2020.
Ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư tại Tập đoàn VinaCapital. |
Hiện, Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán đang giao dịch, trong đó có 3,2 triệu tài khoản là của nhà đầu tư trong nước (chiếm gần 3% dân số của Việt Nam).
Với những số liệu trên, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi quyết định mua bán của các nhà đầu tư trong nước và vẫn tích cực cho đến cuối năm với niềm tin rằng Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát và giữ lãi suất ở mức như hiện tại.
- Theo ông, cổ phiếu trong ngành nào sẽ thu hút đầu tư trong giai đoạn này?
- Ngân hàng và bất động sản đã và đang dẫn dắt đà tăng của thị trường trong năm nay, và chúng tôi tin rằng các lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng có sức hấp dẫn lớn và lợi nhuận của ngành này sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với dự đoán của các chuyên gia phân tích ngành và dự đoán của các công ty chứng khoán.
Biên lợi nhuận ròng của lĩnh vực ngân hàng có khả năng tăng trưởng cao hơn dự đoán nhờ mảng kinh doanh chính của ngân hàng là tín dụng tăng trưởng mạnh, đồng thời chi phí huy động vốn ước tính sẽ thấp hơn.
Đây là kết quả từ thanh khoản dồi dào của đồng Việt Nam trên thị trường, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021, khi các ngân hàng thương mại có thể bán USD cho Ngân hàng Nhà nước để đổi lấy đồng Việt Nam. Hơn nữa, sự tăng trưởng của VN-Index chắc chắn sẽ cần sự đồng hành của ngành ngân hàng, vì đây là lĩnh vực chiếm tỷ lệ chi phối 29% trong chỉ số VN-Index.
Ngoài ra, với mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền từ nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển dịch từ tiền gửi sang bất động sản. Do đó, chúng tôi cho rằng các công ty bất động sản uy tín với quỹ đất sạch lớn ở gần trung tâm TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận có khả năng thực thi dự án tốt như VHM, NVL, KDH, NLG, DXG sẽ hưởng lợi và tăng trưởng khả quan.
Ngân hàng và bất động sản đã và đang dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2021. Ảnh: Nam Khánh |
Theo đó, các công ty tham gia phân phối các dự án và sản phẩm bất động sản trên quy mô rộng khắp như DXS cũng sẽ có tiềm năng tăng trưởng. Thương vụ IPO gần đây của DXS cũng cho thấy mức độ tín nhiệm và kỳ vọng cao của thị trường khi số lượng cổ phiếu được đặt mua nhiều hơn so với số lượng chào bán, cũng như sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước.
- Chứng khoán liên tục lập đỉnh, nhiều người đổ xô vào chứng khoán. Theo ông, vì sao kênh đầu tư chứng khoán lại lên ngôi trong giai đoạn này?
- Trong thời gian gần đây, so với các nước khác, Việt Nam đang cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận trong việc phòng chống và kiểm soát đại dịch, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Chính những nỗ lực này đã tạo điều kiện cho việc phục hồi kinh tế, và khả năng đạt các mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên khả quan hơn. Với tâm lý đón đầu sự phát triển của nền kinh tế, thậm chí trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, thị trường chứng khoán nóng lên là điều tất yếu.
Thêm vào đó, chi phí giá vốn đang được điều chỉnh giảm, các doanh nghiệp có cơ hội phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động lâu dài, bền vững và sẽ có sức bật cao hơn ở những thời kỳ tiếp theo.
Nhìn vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, có thể thấy tỷ lệ tài sản có chiều hướng tăng. Đây là chỉ dấu rõ ràng nhất của việc đầu tư thêm vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Khi lãi suất được giữ ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế, chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Với tâm lý đón đầu sự phát triển của nền kinh tế, thậm chí trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, thị trường chứng khoán nóng lên là điều tất yếu
- Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital
Đặc biệt, đối với nhà đầu tư trong nước, chứng khoán được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với các lợi thế như thanh khoản tốt, thời gian đầu tư linh hoạt, nhiều sự lựa chọn với các mức khẩu vị rủi ro khác nhau, và cũng là kênh được hỗ trợ đòn bẩy thông qua giao dịch ký quỹ khá dễ dàng so với các kênh đầu tư khác.
Mức lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, khiến hiệu suất từ việc gửi tiền trong hệ thống ngân hàng thương mại không còn hấp dẫn và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang những kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn. Chính những yếu tố này đã khiến cho dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước đổ vào kênh chứng khoán đã không ngừng gia tăng trong thời gian vừa qua.
Bong bóng chưa xuất hiện
- Theo ông, việc nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào chứng khoán có tạo ra bong bóng trên thị trường chứng khoán?
- Bong bóng trên thị trường chứng khoán được hiểu là khi giá trị thị trường của chứng khoán vượt xa giá trị thực của chứng khoán đó, nếu mức chênh lệch này ngày càng lớn thì nguy cơ bong bóng sẽ càng cao.
VN-Index đã tăng trưởng 22% từ đầu năm. Chúng tôi cho rằng sự tăng trưởng này hoàn toàn có cơ sở hợp lý và được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE. Cụ thể, ở quý I/2021, tổng lợi nhuận của các công ty trong VN-Index tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Chúng tôi dự báo tổng lợi nhuận cả năm của VN-Index sẽ tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận này, VN-Index đang được giao dịch hợp lý tại mức PE 2021 là 17x, vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (18,5x), Thái Lan (19,4x) và Philippines (19x).
Đây là mức định giá thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2006-2007, khi hiện tượng bong bóng trên thị trường chứng khoán từng diễn ra với mức P/E lên tới 30 lần. Đối với giai đoạn hiện nay, khi sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trong nước rất mạnh mẽ, dù giá trị giao dịch ký quỹ có xu hướng tăng, dòng tiền thực sự từ người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo giúp thúc đẩy thị trường. Điều này khiến nguy cơ bong bóng đến từ việc phụ thuộc vào vốn vay ký quỹ được kiểm soát tốt.
Dòng tiền thực từ người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán. Ảnh: Nam Khánh. |
Tuy bong bóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa xuất hiện, nhưng việc cảnh báo nguy cơ là cần thiết trong bối cảnh thị trường tăng khá nóng như hiện nay, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thường có ít thông tin và kinh nghiệm hơn so với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Với nguyên tắc đầu tư “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ”, chúng tôi cho rằng sự đa dạng hóa danh mục đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau vẫn ưu tiên hàng đầu. Đối với các nhà đầu tư không chuyên, chúng tôi khuyến nghị nên đầu tư vào các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, uy tín vì sẽ có mức độ an toàn cao hơn, giảm thiểu rủi ro.
Việc VinaCapital phát triển đa đạng các sản phẩm đầu tư như Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF), Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ Đầu tư cổ phiếu Tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), Quỹ ETF VinaCapital VN100... cũng không nằm ngoài mục tiêu nêu trên.
- Vì sao khối ngoại bán ròng mạnh? Điều này phát đi tín hiệu gì đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?
- Việc nhà đầu tư ngoại bán ròng có thể nhìn nhận theo hướng tích cực là do chu kỳ đầu tư, các nhà đầu tư đang tái cấu trúc danh mục khi các khoản đầu tư cũ đã đạt mức lợi nhuận mong muốn và làm mới danh mục đầu tư dựa trên diễn biến của kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới.
Chúng tôi cho rằng triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam vẫn rất khả quan và hấp dẫn
- Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital
Bên cạnh đó, một phỏng đoán khác cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc tới động lực tăng trưởng kinh tế dần mạnh lên tại các nước phát triển nhờ tốc độ các đợt tiêm chủng cho người dân tại các nước này đang ngày càng nhanh hơn, giúp đẩy nhanh việc mở cửa trở lại và hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư ngay tại đất nước họ.
Chúng tôi cho rằng triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam vẫn rất khả quan và hấp dẫn. Các yếu tố đã giúp thị trường tăng trưởng trong thời gian qua vẫn được duy trì, bao gồm vị thế và triển vọng kinh tế vĩ mô vững chắc (bao gồm tình hình nhân khẩu học thuận lợi, cơ hội tăng trưởng liên tục, tăng trưởng FDI và xuất khẩu, phục hồi tiêu dùng trong nước) và môi trường chính trị ổn định, khả năng phòng chống và kiểm soát đại dịch hiệu quả của Chính phủ.
Trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi này, chúng tôi tin rằng các công ty đang có vị thế tốt để có thể thu được lợi nhuận cao hơn và tăng trưởng thu nhập nhanh hơn, góp phần vào đà tăng chung của thị trường.
Lạm phát được kiểm soát tốt
- Rủi ro lạm phát đang hiện hữu bởi lượng cung tiền lớn trong nền kinh tế. Thị trường chứng khoán, nhất là những cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua, có đứng trước rủi ro điều chỉnh mạnh không, thưa ông?
- Bên cạnh các khó khăn do đại dịch Covid-19, lạm phát là yếu tố rủi ro hàng đầu tác động đến xu hướng thị trường chứng khoán trong nước và trên thế giới ở hiện tại. Đối với Việt Nam, lạm phát trong năm nay đang được kiểm soát tốt nhờ vào các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát.
Đó là tình hình vĩ mô ổn định nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và đúng hướng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ tập trung vào cơ chế, không bơm tiền đột biến như các nước khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước đang ở mức thấp trong bối cảnh Chính phủ đang rất thận trọng trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, giá một số loại lương thực thực phẩm được kiểm soát…
Những nỗ lực kiểm soát lạm phát này đã mang lại kết quả tích cực khi biến động của lạm phát trong những tháng đầu năm luôn ở mức thấp. Mức lạm phát của Việt Nam trong năm nay được đánh giá sẽ không vượt mức mục tiêu là 4% do Chính phủ đề ra, do đó sẽ chưa phải là yếu tố làm đảo chiều xu hướng tăng của thị trường chứng khoán.
VN-Index đã tăng trưởng tốt từ đầu năm và vượt qua hầu hết dự báo và ước tính mà các công ty chứng khoán đưa ra hồi cuối năm 2020. Chúng tôi hy vọng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục bứt phá để đạt mức PE trung bình trong khu vực là khoảng 19 lần (PE ước tính năm 2021 của VN-Index là 17 lần).
Thị trường chứng khoán có thể sẽ có những đợt điều chỉnh do nhà đầu tư chốt lời sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng hoặc tái cơ cấu lại danh mục đầu tư sang những ngành dẵn dắt mới của thị trường, nhưng chúng tôi nhận định là xu hướng chung trong trung và dài hạn là tiếp tục khả quan.
Xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ tiếp tục khả quan. Ảnh: Nam Khánh. |
- Rủi ro lạm phát cũng tác động đến các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Thị trường Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng thế nào nếu các thị trường lớn lao dốc vì lạm phát?
- Thị trường Việt Nam, cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới, đang có chung một mối lo ngại liên quan tới áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ, cùng với những dự đoán về việc ngân hàng trung ương Mỹ có thể rút lại các biện pháp kích thích về mặt tiền tệ trong bối cảnh lạm phát đang dần trở thành một nguy cơ hiện hữu tại quốc gia này.
Tuy nhiên, hiện tượng này theo các chuyên gia kinh tế học chỉ mang tính chất tạm thời do vấn đề về cung cầu đã bị dồn nén mạnh trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ gia tăng trong những tháng gần đây, nhất là tháng 4 với mức tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua và đóng cửa ở mức 1,45% vào ngày 11/06/2021.
Điều này cho thấy lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh và sẽ có xu hướng đảo chiều, đường cong lợi suất trái phiếu cũng được kỳ vọng sẽ đi ngang trong nửa năm cuối 2021. Đây là tiền đề cho thấy niềm tin nhất định vào triển vọng kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc khi mà lạm phát chưa có dấu hiệu tăng đến mức đáng lo ngại.
Với sự tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường Việt Nam cũng khó tránh khỏi những nguy cơ điều chỉnh khi các thị trường lớn có thể có những biến động bất lợi. Tuy nhiên, những triển vọng tích cực của nội tại nền kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước như đã nêu ở trên được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm tác động từ các thị trường khác lên thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Đặc biệt, dòng tiền mới của các nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ bổ sung nguồn lực tài chính dồi dào giúp gia tăng sức đề kháng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.