Tổng công ty CP Viglacera (VGC) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 với khoản lợi nhuận cao kỷ lục tại cả công ty mẹ và hợp nhất các công ty thành viên.
Cụ thể, lãnh đạo tổng công ty này cho biết trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty và các công ty thành viên vẫn đạt và vượt các chỉ tiêu chính đề ra đầu năm.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty Viglacera ước đạt 1.575 tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch năm, trong đó, lợi nhuận riêng công ty mẹ ước đạt trên 1.100 tỷ đồng, cũng cao hơn 20% so với kế hoạch cả năm.
Nếu so với năm 2020, lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ Viglacera đã tăng 56% trong năm 2021, và tăng 87% so với kết quả hợp nhất. Đây cũng là số lợi nhuận cao nhất mà nhà sản xuất vật liệu xây dựng này ghi nhận được kể từ khi đi vào hoạt động năm 1974.
Đáng chú ý, 2021 cũng là năm đầu tiên Viglacera hoạt động dưới vai trò là công ty con của Tập đoàn Gelex (GEX), doanh nghiệp đã chi hàng nghìn tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 50,2% vốn điều lệ Viglacera.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA VIGLACERA | |||||||||
Nguồn: BCTC DN | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
LNTT | tỷ đồng | 323 | 524 | 769 | 914 | 847 | 970 | 841 | 1575 |
Ở chiều ngược lại, trong năm vừa qua, nhà sản xuất vật liệu xây dựng này cũng hoàn tất tăng sở hữu tại Công ty TNHH Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ (PFG) từ 35% lên 65% vốn điều lệ và chuyển từ công ty liên kết sang công ty con vào tháng 10/2021. Công ty cũng đã mua lại Nhà máy Bạch Mã, nâng số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sở hữu lên con số 8 trên cả nước.
Lãnh đạo Viglacera cho biết ngoài hoạt động kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng, ở lĩnh vực bất động sản, tổng công ty này cũng tập trung đầu tư và phát triển mở rộng quỹ đất khu công nghiệp, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tận dụng các lợi thế và tiềm năng sẵn có.
Hiện tại, Viglacera cũng là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất phía Bắc.
Cụ thể, tổng công ty này sở hữu hàng loạt khu công nghiệp quy mô lớn tại các tỉnh phía Bắc như KCN Phú Hà (Phú Thọ) 350 ha; KCN Đồng Văn 4 (Hà Nam) 600 ha; KCN Tiền Hải (Thái Bình) 466 ha; các KCN Tiên Sơn, Yên Phong 2C, Yên phong, Thuận Thành cùng tại Bắc Ninh với tổng diện tích gần 1.500 ha…
Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) do Viglacera là chủ đầu tư và quản lý. Ảnh: VGC. |
Mới nhất, Viglacera đã được phê duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp Thuận Thành I (Bắc Ninh) với quy mô 249,75 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ.
Việc sở hữu hàng nghìn ha đất khu công nghiệp cũng là lý do chính Tập đoàn Gelex quyết định thâu tóm Viglacera với tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Theo chủ trương đầu tư của Gelex vào Viglacera, công ty sẽ phát triển bất động sản khu công nghiệp theo hướng bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia trong nội khu. Tại các khu vực lân cận khu công nghiệp, dự án nhà ở giá rẻ sẽ được tập trung đầu tư.
Sau hợp nhất, Gelex kỳ vọng tiếp tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp do Viglacera quản lý với mục tiêu đến năm 2025, nâng tổng số khu công nghiệp doanh nghiệp này quản lý lên hơn 20 khu. Trong đó, kỳ vọng trên 10 khu công nghiệp có tổng diện tích tăng thêm 2.000-3.000 ha và duy trì mục tiêu phát triển quỹ đất khu công nghiệp dự trữ tối thiểu gấp đôi đất cho thuê hàng năm.