Sau 3 giai đoạn phát triển kéo dài gần 30 năm, Viettel sẽ bước vào giai đoạn thứ 4 sớm hơn dự kiến 2 năm.
Chiến lược của tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo (2018-2030) là duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%, trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về viễn thông và công nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, Viettel kỳ vọng trở thành một trong 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030; vào top 10 về Viễn thông và CNTT, top 20 về công nghiệp điện tử viễn thông, top 50 về công nghiệp an toàn, an ninh mạng. Cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%, lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.
Lễ bàn giao lãnh đạo cấp cao Viettel ngày 3/8. |
Trong chiến lược giai đoạn 4, Viettel cũng xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh… từ cấp trung ương đến địa phương, cũng như từng lĩnh vực cuộc sống.
Ngoài ra, Viettel sẽ tiếp tục duy trì mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước, nhận thực hiện nhiều công việc mang sứ mệnh quốc gia.
Phát biểu tại sự kiện, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel khẳng định: “Thừa hưởng thành tựu vẻ vang của tập đoàn, văn hóa đặc sắc của Viettel, đội ngũ kế cận sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao phó, dựa trên việc giữ nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định tập thể nhưng vẫn phải giữ vai trò cá nhân xuất sắc. Bên cạnh đó, phải xác định rõ lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển, chú ý các chế độ, chính sách về người lao động, phải làm cho người lao động hạnh phúc, yêu mến Viettel”.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng là tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel. |
Trong giai đoạn 3.0 (2010-2018) Viettel vào top 30 nhà mạng lớn nhất thế giới, đầu tư ra 10 quốc gia, tổng dân số 240 triệu dân, duy trì vị thế là nhà mạng số 1 Việt Nam.
Viettel cũng trở thành Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao số 1 Việt Nam với doanh thu tăng trưởng 2,7 lần (từ 92.000 tỷ lên 252.000 tỷ); lợi nhuận tăng trưởng 2,7 lần (từ 16.000 tỷ lên 44.100 tỷ). Tập đoàn nộp NSNN tăng 4,5 lần (từ 9.200 tỷ lên 41.100 tỷ). Vốn chủ sở hữu tăng 4,5 lần (từ 28.600 tỷ lên 128.000 tỷ); Thu nhập tăng 1,9 lần. Nộp thuế và ngân sách lớn nhất, lợi nhuận lớn nhất và giá trị thương hiệu cao nhất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng góp phần đưa viễn thông, CNTT vào mọi mặt của đời sống xã hội.