Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Những người giữ 'mạch máu' thông tin mùa lũ

Lội nước trắng đêm, đóng bè vượt qua con suối dữ để mang máy nổ đến trạm BTS là công việc dần trở nên quen thuộc với những người kỹ thuật viên ứng cứu thông tin.

NHỮNG NGƯỜI GIỮ 'MẠCH MÁU' THÔNG TIN MÙA LŨ

Lội nước trắng đêm, đóng bè vượt qua con suối dữ để mang máy nổ đến trạm BTS là công việc dần trở nên quen thuộc với những người kỹ thuật viên ứng cứu thông tin mỗi mùa lũ về.

Viettel anh 1

Vượt đèo, lội suối ứng cứu thông tin

Sau hơn một tuần trời mưa dầm dề, nắng đã bắt đầu chiếu chói chang trên những vòm cây ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Đặt can xăng hơn 20 lít xuống, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đội trưởng đội kỹ thuật Viettel Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1990) lẩm nhẩm dự tính độ dài quãng đường sẽ phải đi để đến trạm thu phát sóng (BTS) tiếp theo.

- Từ lúc mất điện đến khi anh nhận được lệnh đi ứng cứu thông tin là bao lâu?

- Mất điện là bọn tôi đi ngay, việc ứng cứu khẩn cấp do thiên tai thời tiết bất thường thì cứ chủ động đi thôi. Khi mất điện đồng nghĩa với việc các trạm phát sóng không hoạt động được, người dân vùng lũ sẽ không thể gọi điện ra bên ngoài để cập nhật tình hình hay thậm chí là kêu cứu.

Nói rồi anh Đức tiếp tục xách can xăng phăm phăm đi suốt quãng đường dài. Đoạn đường dốc Vèo (xã Kiệt Sơn) bị đất đá vùi lấp, dự kiến hơn một tháng mới thông. Để đi được sang phía bên kia, người dân bắt buộc phải vượt qua một ngọn đồi, thuê xe máy để đi qua hai con đập nước tràn quá bắp chân, sau đó đi bộ tiếp hơn 2 km đường đèo để tiếp cận trạm PTO177.

Viettel anh 2

Những ngày giữa tháng 7, huyện Tân Sơn bị nhấn chìm bởi cơn lũ ập đến, các trạm BTS bị tê liệt, Đức phải đảm bảo toàn bộ trạm mau chóng hoạt động trở lại. Toàn huyện mất điện 5 ngày thì 5 ngày đó anh cùng đội kỹ thuật phải cung cấp xăng cho 32 trạm BTS, nơi xa nhất lên đến 40 km. Nhớ lại ngày đầu tiên lũ tràn về, chàng trai 9x đời đầu cùng hai kỹ thuật viên khác thay nhau khênh một máy nổ nặng 70 kg đi trong đêm tối, mực nước quá đầu gối để mang sóng về xã Minh Đài - nơi cây cầu Văn Long bị gãy một nhịp.

Viettel anh 5
Viettel anh 10

Đó chỉ là một trong 85 vị trí trạm BTS của Viettel tại 25 xã thuộc huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông và Cẩm Khê mà Đức và các kỹ thuật viên khác phải thay nhau ứng cứu. Có đoạn bùn đất trơn trượt, nước tràn qua đập, kỹ thuật viên phải lò dò, cẩn thận từng bước chân; một số đoạn khác, họ phải đóng bè để vượt qua con suối dữ. Thời gian đến được một trạm BTS có khi mất nửa ngày, vì thế họ ăn ngủ ngay tại địa bàn, ngày hôm sau lại tiếp tục tiến vào nơi xa hơn.

Ngày đầu tiên đi ứng cứu, Đức đến tuyến PTO284 đi 341 (đoạn qua xóm Bương, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn), nơi hơn 10 km đường bị sạt lở. Đây cũng là địa bàn người Viettel tiếp cận đầu tiên sau khi cơn lũ đi qua. Nhanh chóng sửa chữa để có được sóng điện thoại, anh lập tức thông báo tình hình ra bên ngoài để các lực lượng khác kịp thời cứu hộ cho người dân vùng lũ.

Viettel anh 11

Hành trình mang sóng điện thoại về bản

Dừng chân tại trạm PTO177, các kỹ thuật viên nhanh chóng sửa đoạn cáp bị đứt, người rải cáp, người tuốt, người hàn. Mỗi người một việc để tiếp tục di chuyển đến điểm tiếp theo trước khi trời tối. “Mấy hôm nay, chúng tôi làm không có giờ giấc cố định, cứ khi nào xong thì thôi”, anh Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Một trong những điểm chịu thiệt hại nặng nề nhất là khu vực sông Bứa (xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn), tàu chở cát đi qua khi nước sông dâng cao đã làm đứt gãy 300 m dây cáp.

“Do nước sông còn cao và chảy xiết nên chúng tôi phải chờ 3 ngày mới có thể tiến hành hàn đoạn cáp đứt và kéo qua sông. Sau 6 giờ, chúng tôi đã hoàn thành việc nối lại đường truyền”, anh Đinh Văn Đạt (kỹ thuật viên Viettel huyện Thanh Sơn) cho biết.

Viettel anh 12
Viettel anh 13

Ngay khi biết tin mưa lũ xảy ra diện rộng trên địa bàn tỉnh, Viettel Phú Thọ đã huy động 82 người và 17 xe mang theo thiết bị chuyên dùng, 5.100 lít xăng dầu... trực tiếp tham gia ứng cứu. Dù mất điện diện rộng, mưa lũ gây ngập sóng 2G vẫn luôn được duy trì, giữ liên lạc thông suốt.

Phú Thọ còn nhận được sự trợ giúp của lực lượng kỹ thuật các tỉnh thành khác như: Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình… Nhờ đó, việc sửa chữa được tiến hành liên tục.

Đến nay, công tác khắc phục sự cố đã gần hoàn tất, lần lượt các mạng 3G, 4G đã cơ bản được khôi phục, trong khi mạng di động 2G vẫn được duy trì trong thời gian mưa lũ. Hiện chỉ còn 2 tuyến cáp quang bị đứt chưa khắc phục xong và một số trạm BTS bị chia cắt do sạt lở chưa tiếp cận được, đơn vị đang thi công ngày đêm để có thể mở đường.

Viettel anh 17

Đảm bảo Internet cho người dân

Không chỉ ứng cứu để thông tin liên lạc hoạt động trở lại, các kỹ thuật viên còn có mặt ngay sau khi nước rút tại hộ dân để xử lý sự cố cố định băng rộng.

Tại huyện Thanh Sơn, nước lũ đã làm ngập nhà ở của hơn 3.500 hộ, trong đó, nhiều điểm tại thị trấn nước ngập trên 2 m. Các đường truyền dẫn mạng cũng trong tình trạng tương tự. Sau khi nước rút, việc liên lạc của người dân được đảm bảo nhưng kết nối Internet bị gián đoạn.

Viettel anh 20

Với nỗ lực miệt mài, chỉ trong một ngày, anh Nguyễn Đắc Bằng - nhân viên dây máy thuộc Trung tâm kỹ thuật Viettel huyện Thanh Sơn đã khắc phục hơn 90 sự cố, gấp 10 lần khối lượng thường ngày, bảo hành và thay mới các thiết bị nếu cần thiết.

Vui mừng khi chiếc TV im lìm mấy ngày nay đã hoạt động trở lại bình thường, ông Nguyễn Đình Toàn (thị trấn Thanh Sơn) cho biết: “Những ngày nước dâng, sóng điện thoại thỉnh thoảng bị chập chờn nhưng vẫn liên lạc với con cháu được, mạng Internet bị mất hết. Hôm nay, anh em Viettel đến sửa chữa thay thiết bị miễn phí, tôi lại có thể cập nhật tin tức bên ngoài”.

Viettel anh 23

Gõ cửa căn nhà tiếp theo, anh Bằng tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc lau dọn các linh kiện máy tính. Dàn 21 máy vi tính của chị Bùi Thị Thu (thị trấn Thanh Sơn) chìm trong biển nước đến nay mới chỉ được xếp gọn lên chỗ cao ráo, việc dọn dẹp nhà cửa chưa hoàn tất nên chị chưa có thời gian để ý đến dàn máy.

“Công việc thường ngày của chúng tôi là khắc phục sự cố cố định băng rộng cho khách hàng. Nhưng vào những ngày như thế này, chúng tôi cũng tranh thủ giúp người dân những việc trong khả năng”, đổ ít cồn vào khăn lau máy tính, anh Bằng chia sẻ.

Viettel anh 24
Viettel anh 27

Ngồi nghỉ bên đường để lấy lại sức cho chuyến "hành quân” tiếp theo, Đức lật giở những hình ảnh cậu con trai 4 tuổi trong điện thoại, gần một tuần nay, anh chưa về nhà.

“Chỉ mong mọi thứ thuận lợi, suôn sẻ, bà con sớm được liên lạc với người thân”, Đức rưng rưng.

Nước đã rút để lại bùn đất cùng bao việc phải lo lắng, người dân Thanh Sơn, Tân Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng khi cơn lũ năm nay lại dữ dội đến vậy. Nhà cửa bị nhấn chìm, hoa màu bị ngập đổ, vật nuôi bị cuốn trôi…nhưng phần nào đó họ có thể thở phào khi nhận được cuộc điện thoại báo tin cả gia đình vẫn bình an.

Viettel anh 28

Hà Mỹ Giang - Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm