Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho phép Viettel thử nghiệm tại thành phố Hà Nội, với quy mô không vượt quá 140 vị trí. Viettel cũng sẽ được cấp quyền sử dụng các đoạn băng tần 2.500-2.600MHz, 3.700-3.800MHz và 27.100-27.500MHz đã quy hoạch để thử nghiệm thương mại 5G.
Với MobiFone, nhà mạng này được thử nghiệm thương mại 5G tại TP.HCM với số lượng không quá 50 trạm BTS. MobiFone được sử dụng băng tần 2.600MHz để triển khai thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện.
Bộ TT&TT vừa cấp giấy phép cho 2 nhà mạng thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Ngô Minh. |
Giấy phép thử nghiệm 5G của cả Viettel và MobiFone đều có giá trị đến hết 30/6/2021.
Theo giấy phép vừa được phê duyệt, việc thử nghiệm phải chấp hành các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông, bảo đảm an toàn mạng, an toàn thông tin và hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp thử nghiệm sau khi giấy phép thử nghiệm hết hiệu lực hoặc khi có yêu cầu từ Bộ TT&TT. Trong trường hợp muốn mở rộng quy mô thử nghiệm, các doanh nghiệp phải được sự chấp thuận của Bộ.
Trước đó, Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển thêm phiên bản khối cao tần cho trạm thu phát sóng 5G. Sự kiện nằm trong định hướng của Bộ TT&TT về việc phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam”.
Theo thỏa thuận, VinSmart chịu trách nhiệm phát triển thêm một phiên bản khối vô tuyến cho trạm thu phát sóng 5G gồm ăn ten thu phát tín hiệu , bộ khuếch đại công suất, thiết bị lọc nhiễu cho trạm thu phát sóng 5G.
Trong khi đó phía Viettel thực hiện nghiên cứu và phát triển thiết bị xử lý tín hiệu, hệ thống mạng lõi 5G (Hệ thống tính cước, xử lý dữ liệu tốc độ cao), công nghệ điều khiển búp sóng Beamforming và công nghệ Multi User Massive Mimo giúp cung cấp dịch vụ tốc độ cao cho nhiều người dùng.