Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietravel nói gì sau yêu cầu làm rõ năng lực tài chính hãng bay

Bộ Tài chính và Bộ GTVT yêu cầu làm rõ năng lực tài chính của Vietravel Airlines trước khi hãng được cấp phép bay trong thời điểm công ty mẹ gặp khó vì dịch Covid-19.

Sau khi Bộ Tài chính ra văn bản bày tỏ e ngại về khả năng lo vốn cho Vietravel Airlines, Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ có văn bản khẳng định doanh nghiệp cam kết duy trì mức vốn tối thiểu trên 700 tỷ đồng cho hãng bay.

Ông Kỳ cho biết Vietravel hoạt động trong lãnh vực lữ hành, có nhiều đặc điểm khác biệt, đặc thù hơn so với hoạt động kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh khác, vì vậy đặc điểm hoạt động tài chính của các doanh nghiệp lữ hành cũng khác biệt.

Theo ông, đặc thù kinh doanh lữ hành là thu tiền trước của khách hàng (future sales) và trả sau cho đối tác, do đó khoản phải trả cho người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước có số tuyệt đối khá cao, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn, xấp xỉ 700 tỷ đồng.

Doanh số năm 2019 đạt 360 triệu USD

Với số vốn điều lệ là 173 tỷ đồng, Vietravel đạt doanh số năm 2019 là 8.400 tỷ đồng (tương đương 360 triệu USD). Bình quân Vietravel thu vào 1 triệu USD/ngày, thời gian thu tiền trước của khách hàng trung bình là 30-45 ngày. Hãng trả cho tiền cho đối tác sau 45-60 ngày.

Ông Kỳ khẳng định công ty đảm bảo luôn có một dòng tiền từ 35-40 triệu USD để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Theo ông Kỳ, về lý thuyết đây nguồn vốn ngắn hạn (tạm thời), nhưng được bổ sung thường xuyên và ổn định trong hoạt động kinh doanh của Vietravel. Do đó, trên thực tế đây là nguồn vốn thường xuyên của công ty.

vietravel airlines bao gio bay anh 1

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel. Ảnh: Forbes.

Ông Kỳ cũng khẳng định tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp luôn đạt ở mức trên 45-60% và hiện Vietravel được rất nhiều nhà đầu tư và các tổ chức định chế tài chính quan tâm đầu tư và tài trợ vốn. Vietravel được các ngân hàng lớn nhất Việt Nam như VCB, BIDV và Vietinbank ký hợp đồng cấp hạn mức tín dụng tín chấp 850 tỷ đồng.

Vietravel lên sàn chứng khoán từ cuối quý III/2019. Chủ tịch Vietravel cho biết hãng dự kiến phát hành ra bên ngoài một số trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu với giá tham chiếu trên sàn chứng khoán là 40.000 đồng/cổ phiếu (được Plimson và PriceWaterHouse - PWC định giá là 60.000 đồng/cổ phiếu). Ngoài ra, Vietravel cũng cũng dự kiến sẽ cổ phần hóa Vietravel Airlines sau một năm hoạt động.

Về rủi ro vận hành trong mùa dịch Covid-19, ông Kỳ cho rằng đại dịch làm giảm cơ hội tăng trưởng nhanh của thị trường vận tải hàng không Việt Nam nhưng ảnh hưởng không quá lớn tới Vietravel Airlines. Lý do là quy mô của Vietravel Airlines nhỏ và hãng có sẵn thị trường khách du lịch của Công ty Vietravel.

Cần làm rõ năng lực tài chính

Trước đó các cơ quan chức năng có liên quan, bao gồm Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), yêu cầu doanh nghiệp làm rõ năng lực tài chính trước khi được cấp phép bay.

Bộ GTVT cho biết đã nhận được công văn của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của các Bộ, làm rõ năng lực tài chính của doanh nghiệp để đảm bảo mức vốn tối thiểu theo quy định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines, trên cơ sở quyết định thời điểm và cấp phép bay cho Vietravel Airlines.

Trong quá trình trên, Bộ Tài chính cho biết không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cũng như văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với hãng này. Do đó, Bộ chưa đủ cơ sở để cho ý kiến về việc xác nhận vốn của tổ chức tín dụng đối với Vietravel Airlines.

vietravel airlines bao gio bay anh 2
Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều yêu cầu cần làm rõ năng lực tài chính trước khi cấp phép bay cho Vietravel Airlines trong bối cảnh công ty mẹ gặp khó vì dịch Covid-19. Ảnh: Malcolm Nason.

Về phương án kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo tài chính quý III/2019 và quý II/2020 của Vietravel, nguồn vốn Vietravel góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trong thời hạn 2 năm, có tài sản đảm bảo là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines, được mở tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tổng nợ phải trả của Vietravel tính đến 30/6 là 1.578 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 682 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 715 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cùng dài hạn là 942 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 10,8 lần, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần. Lợi nhuận trước thuế âm 65 tỷ đồng.

Bộ Tài chính nhấn mạnh các chỉ tiêu về tình hình tài chính nêu trên cho thấy nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.

Đặc biệt, do dịch Covid 19 còn có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2020-2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như 6 tháng đầu năm 2020, Vietravel có thể sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng (đến hạn thanh toán vào tháng 9/2021). Dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác 2021.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT lưu ý, làm rõ về năng lực tài chính của Vietravel trong việc đảm bảo các khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, nhất là khoản trái phiếu được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines, đảm bảo không ảnh hưởng đến mức vốn tối thiểu 700 tỷ đồng phải duy trì theo quy định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines.

Chia sẻ với Zing chiều 15/10 bên lề hội nghị của Forbes, Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết Vietravel Airlines vừa nhận được quyết định của Thủ tướng về việc đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (giấy phép bay) vào ngày 14/10.

Hãng hàng không của Vietravel sẽ chờ Cục Hàng không cấp giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC) để hoàn tất mọi thủ tục trước khi cất cánh. Vietravel Airlines dự kiến mở bán vé ngay trong tháng 11 sau khi được cấp AOC và sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào giữa tháng 12 bằng tàu bay Airbus A321.

Theo đề án của Vietravel Airlines, trong năm đầu tiên hoạt động, hãng sẽ khai thác 3 máy bay A320/321, Boeing 737 hoặc tương đương, sau 5 năm sẽ tăng lên 8 máy bay. Hãng tập trung vào mô hình kinh doanh theo hình thức thuê chuyến (charter) và thường lệ phục vụ một phần khách du lịch của Vietravel, còn lại phục vụ cộng đồng.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, Vietravel Airlines đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên thông qua việc nhắm vào lượng khách mục tiêu mà Vietravel đang phục vụ. Doanh nghiệp kỳ vọng tạo việc làm cho gần 600 lao động.

Trong thời gian đầu, Vietravel Airlines dự kiến khai thác hơn 40 chuyến bay mỗi tuần. Hãng tập trung vào trục bay chính như TP.HCM - Hà Nội và các điểm đến du lịch như Nha Trang, Phú Quốc.

Lượng khách bay đạt gần 53 triệu lượt sau 10 tháng

Theo thống kê từ Cục Hàng không, lượng hành khách qua các cảng hàng không trong tháng 10 đạt 4,98 triệu lượt, giảm 46,8% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 10 tháng, mức giảm là 45%.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm