Sáng 4/11, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines, công bố quyết định bổ nhiệm phó tổng giám đốc thứ 3 phụ trách quan hệ quốc tế. Cơ trưởng người Italy Livio Arizzi sẽ giữ chức vụ này, chịu trách nhiệm tìm kiếm, thuê tàu bay; tiếp cận nguồn nhân lực hàng không nước ngoài; kết nối các tổ chức hàng không quốc tế cho Vietravel Airlines.
Bên lề sự kiện, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên chia sẻ thêm về quá trình chuẩn bị cất cánh của hãng hàng không lữ hành bay thuê chuyến (charter flight) phục vụ du lịch đầu tiên tại Việt Nam.
Slot bay không phải 24 tiếng lúc nào cũng khó
Ông Biên cho biết chi phí Vietravel bỏ ra để mua vé máy bay cho khách du lịch của công ty trong năm nay khoảng 3.000 tỷ đồng và sẽ tăng thêm 15% mỗi năm. Đây chính là ưu điểm của Vietravel Airlines khi có sẵn số lượng lớn khách du lịch.
"Vietravel có thế mạnh là có hệ thống khách hàng. Du lịch và hàng không rất gần với nhau", ông Biên nói. CEO Vietravel Airlines cho biết hãng sẽ phục vụ hành khách của Vietravel trước tiên, chủ yếu khai thác thị trường quốc tế và có thể chuyên chở khách du lịch của các đơn vị lữ hành khác. Ngoài ra, hãng cũng không loại trừ khả năng khai thác thương mại trong tương lai.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc Vietravel có chịu nhiều rủi ro khi huy động 700 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ dự án hãng hàng không, ông Biên nói ngắn gọn công ty đã có kế hoạch tài chính dài hạn, đặc biệt trong 5 năm đầu.
Bên cạnh đó, CEO Vietravel Airlines cho rằng kế hoạch kinh doanh quan trọng hơn vốn vì nếu có kế hoạch tốt sẽ không khó để huy động vốn.
Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên. Ảnh: Vietravel. |
"Chúng tôi chỉ bay thuê chuyến, khả năng lỗ không nhiều, chỉ có chi phí ban đầu. Bay thuê chuyến phải đầy khách mới bay. Vừa qua chúng tôi khai thác chặng Cần Thơ - Bangkok 40 chuyến gần như lãi hết ngay từ đầu vì thuê chuyến. Chuyện này trong kế hoạch kinh doanh cũng đã có", CEO Vietravel Airlines tự tin chia sẻ.
Trước tình trạng các sân bay lớn trong nước như Tân Sơn Nhất đang cạn slot bay, ông Biên thừa nhận đây là khó khăn của ngành hàng không.
Vị CEO cho biết Vietravel Airlines là hãng bay thuê chuyến phục vụ du lịch nên sẽ chủ động chọn thời điểm còn trống slot để khai thác vì "24 tiếng không phải lúc nào cũng khó".
Áp lực về hạ tầng hàng không cũng là lý do Vietravel Airlines chọn cảng hàng không Phú Bài ở Thừa Thiên - Huế làm sân bay căn cứ vì các hãng bay mới phải tìm cơ sở ở những sân bay còn nhiều khả năng khai thác.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải từng lưu ý đề án của Vietravel Airlines về việc đỗ toàn bộ tàu bay qua đêm tại một sân bay có lượng khách đi, đến không cao như Phú Bài có thể khiến việc tổ chức khai thác hàng ngày tạo ra khó khăn lên những hoạt động khác.
Đã chuẩn bị kỹ càng
Thông tin về quy trình xin cấp giấy phép của Vietravel Airlines, ông Biên cho biết hiện Bộ Kế hoạch Đầu tư đang tổng hợp ý kiến đánh giá của các bộ, ngành về đề án của hãng để trình Chính phủ.
CEO Vietravel Airlines cho biết tự tin sẽ được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư của Chính phủ trong năm nay và có giấy phép bay vào khoảng tháng 4/2020. Sau đó, hãng sẽ dành 5, 6 tháng chuẩn bị cho việc cất cánh.
Vietravel Airlines dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2020 với đội bay khoảng 3-5 tàu bay Airbus A321.
Ông Biên cho biết bắt đầu nghiên cứu, viết đề án hãng hàng không Vietravel Airlines từ tháng 2/2018, đến nay đã gần 20 tháng. "Vietravel Airlines có bước đi rất kỹ. Hàng không nếu không chuẩn bị kỹ sau này sẽ rất mệt", ông nói.
Trước khi có phó tổng giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế, Vietravel Airlines đã bổ nhiệm 2 cựu lãnh đạo của Vietnam Airlines là ông Nguyễn Anh Vũ giữ chức phó tổng giám đốc phụ trách bảo dưỡng tàu bay và ông Nguyễn Quang Sơn làm phó tổng giám đốc phụ trách khai thác mặt đất. Với 3 phó tổng giám đốc, Vietravel Airlines cho biết đã cơ bản hoàn thiện bộ máy nhân sự cấp cao.
Ban lãnh đạo Vietravel Airlines từ trái qua: ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ, ông Livio Arizzi, ông Vũ Đức Biên và ông Nguyễn Anh Vũ. Ảnh: Vietravel. |
Về đội ngũ phi công, CEO Vũ Đức Biên cho biết Vietravel Airlines có chủ trương tìm kiếm phi công ở các nước trong khu vực và thế giới chứ không cạnh tranh với các hãng hàng không trong nước.
"Nếu lôi kéo phi công hãng khác sẽ thành cuộc đua chi phí. Mỗi người chuyển đi, chi phí đều tăng lên. Nếu các hãng đều cạnh tranh như vậy, rất khó đủ chi phí cho hoạt động khai thác. Chúng tôi tìm kiếm phi công ở các nước, tránh sự cạnh tranh", ông Biên nói.
Đại diện Vietravel Airlines cam kết không tạo áp lực lên nguồn nhân lực hàng không tại Việt Nam.
Trong khi đó, đội ngũ tiếp viên sẽ được đào tạo tại trường cao đẳng quốc tế Kent ở TP.HCM. Đây là đơn vị đã được Vietravel mua lại.