Tổng công ty Đường sắt có doanh thu kỷ lục trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: VNR. |
Tại hội nghị mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR cho biết trong 6 tháng đầu năm, sản lượng toàn tổng công ty đạt 4.778 tỷ đồng, tăng trưởng 11,5%.
Trong đó, sản lượng vận tải hành khách 6 tháng tăng gần 21%. Tính riêng dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã bán ra gần 653.000 vé tàu với doanh thu đạt 400 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua đó, doanh thu của tổng công ty được ghi nhận tăng trưởng 10%, vượt mức 4.500 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 2.966 tỷ đồng, tăng 11%.
Đây là mức doanh thu bán niên kỷ lục của VNR và cao hơn mức thu cả năm của giai đoạn 2019-2021. Tương ứng trung bình mỗi ngày, công ty thu về hơn 24,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng công ty chưa công bố con số lợi nhuận trong giai đoạn này.
VNR THU KỶ LỤC TRONG NỬA ĐẦU NĂM NAY | |||||||
Doanh thu của VNR năm 2019-2023 và ước tính 6 tháng đầu năm 2024. Nguồn: BCTC DN. | |||||||
Nhãn | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 6T2024 | |
Doanh thu | Tỷ đồng | 2409 | 1692 | 3917 | 8043 | 8806 | 4500 |
Năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu thu tổng cộng 6.258 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, đơn vị này đã hoàn thành gần 72% kế hoạch doanh thu.
Bên cạnh đó, trong các tháng đầu năm, hai sự cố khiến hoạt động vận tải đường sắt gián đoạn do sụt lở đất đá trên đỉnh hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh đã làm ách tắc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Sự cố dẫn đến chi phí phát sinh để khắc phục sự cố và thiệt hại gián tiếp hơn 106 tỷ đồng.
Trong năm 2023, VNR có mức doanh thu hợp nhất đạt 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch.
Trước đó, đơn vị này đã trải qua 3 năm giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp. Trong đó, năm 2020 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 111 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng công ty sẽ triển khai thực hiện cơ cấu lại bộ máy. Cụ thể, đơn vị này đã xây dựng xong phương án hợp nhất CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt.
Đại hội cổ đông của hai công ty đã thông qua nội dung liên quan đến hợp nhất công ty và HĐQT hai công ty đã có quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện hai công ty đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.
Tương tự công ty mẹ, cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miền những năm trước. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, hai đơn vị đều nhìn nhận chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng do phương tiện chuyên chở lạc hậu.
Tuy nhiên, gần đây, ngành đường sắt đã cải thiện chất lượng dịch vụ, cho ra mắt các chuyến tàu du lịch chất lượng cao.
Ngày 27/4, tại Ga Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (TP.HCM - Đà Nẵng). Trong đó, tàu SE21/22 là sản phẩm mới với nhiều tiện ích và thẩm mỹ cao, được ngành đường sắt đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4-1/5 và được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch "hot" đối với du khách trong dịp hè 2024.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.