Sau vụ nam tiếp viên D.T.H. (bệnh nhân 1342) của Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly khiến Sars-CoV-2 lây lan ra cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Y tế chỉ đạo cụ thể về việc cách ly tổ bay, các tiếp viên của các hãng hàng không một cách nghiêm túc, đúng quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu dừng hết các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ duy trì các chuyến bay giải cứu công dân thực sự cần thiết. Tổ bay quốc tế về nước phải tập trung ở khu cách ly quân đội, khu cách ly tại địa phương đủ tiêu chuẩn, bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp đăng ký.
Chấp hành chỉ đạo từ Thủ tướng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ hủy bỏ kế hoạch xúc tiến 33 chuyến bay mỗi tuần đưa người Việt hồi hương từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Vietnam Airlines đã phải lên tiếng xin lỗi vì vụ nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly. Ảnh: Việt Linh. |
Mất 300 chuyến bay giải cứu
Như vậy, khoảng 330 chuyến bay "giải cứu nửa thương mại" sẽ bị hủy bỏ. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ số chuyến bay này sẽ được Vietnam Airlines khai thác. Trước đó, hãng đã thực hiện hai chuyến bay gồm VN417 chặng Seoul - Đà Nẵng ngày 20/11 và VN417 chặng Seoul - Vân Đồn.
Vietnam Airlines ước tính số người Việt tại Nhật Bản muốn về nước là 30.000 người, tại Hàn Quốc là 15.000, tại Đài Loan là 15.000. Do đó, dự kiến hệ số sử dụng ghế trên 330 chuyến bay này sẽ đạt gần 100% như chuyến bay ngày 23/11.
Cục Hàng không cho biết mức giá trọn gói (combo) gồm giá vé máy bay (giá, phí thu hộ của các đơn vị cung cấp dịch vụ tại nước ngoài và Việt Nam), chi phí 14 đêm khách sạn 3 sao... vào khoảng 30 triệu đồng/hành khách.
Bên cạnh việc hơn 330 chuyến bay "giải cứu nửa thương mại" bị hủy bỏ, có khả năng việc tiếp viên Vietnam Airlines vi phạm quy định, khiến dịch lây lan sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch mở cửa đường bay thương mại quốc tế tới 7 quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát dịch tốt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia và Thái Lan.
Vietnam Airlines đánh mất cơ hội thực hiện 330 chuyến bay "giải cứu nửa thương mại". Ảnh: Hoàng Hà. |
Tăng chi phí cách ly
Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), các khu cách ly dành cho tổ bay của Vietnam Airlines đã chính thức ngừng hoạt động. Trước 12h ngày 2/12, HCDC phải hoàn tất việc chuyển tổ bay sang cách ly ở khách sạn.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, tính từ tháng 3 tới ngày 30/11, hãng đã thực hiện cách ly hơn 11.400 lượt người (bao gồm phi công, tiếp viên, thợ máy, người phục vụ chuyến bay).
Số nhân viên của Vietnam Airlines đang thực hiện cách ly hiện nay là 825 người, trong đó có 473 người đang ở khu cách ly tập trung và 352 người cách ly tại nhà. Số lượng tiếp viên của hãng khoảng 3.000 người.
Việc chuyển thực hiện các chuyến bay quốc tế về cách ly tại khách sạn sẽ khiến chi phí cách ly tổ bay của doanh nghiệp tăng cao. Hãng cũng mất đi tính chủ động trong việc chuẩn bị cơ sở cách ly.
Với lượng nhân viên cần cách ly lên tới 11.400 lượt người trong 8 tháng, việc chuyển sang hình thức cách ly tại khách sạn sẽ tạo thêm áp lực tài chính cho doanh nghiệp vốn đang gặp khó, vừa phải xin cứu trợ của Nhà nước.
Trước mắt, khu cách ly của Vietnam Airlines tại 115 Hồng Hà (phường 2, quận Tân Bình) sẽ bị đóng cửa. Sau yêu cầu từ Thủ tướng về việc bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp quản lý, các khu cách ly dành cho tổ bay của Vietnam Airlines còn lại cũng sẽ dừng hoạt động.
Ảnh hưởng thương hiệu
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn chịu thiệt hại không nhỏ về thương hiệu.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia về xây dựng thương hiệu cho hay sau khi thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu công dân an toàn, thương hiệu Vietnam Airlines có thời điểm đã song hành với thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19.
Vietnam Airlines sẽ chịu thiệt hại về thương hiệu. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Việc thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân là điểm cộng lớn với thương hiệu Vietnam Airlines trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc thả lỏng kiểm soát, để một nam tiếp viên thành ca nhiễm lây lan ra cộng đồng đã ảnh hưởng lớn tới thương hiệu hãng hàng không quốc gia trong mắt hành khách", chuyên gia này nhận định.
Chuyên gia cho rằng ảnh hưởng về thương hiệu càng nhạy cảm hơn khi hãng vừa được chấp thuận giải ngân gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách, trong khi các hãng bay tư nhân thậm chí chưa tiếp cận được khoản vay ưu đãi..
Bên cạnh hình ảnh của hãng bay, vụ việc đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh tiếp viên hàng không của hãng. Thông báo nội bộ của Vietnam Airlines cho biết đã có trường hợp tiếp viên bị dí thuốc lá cháy dở vào bả vai khi đang mặc đồng phục chờ đèn đỏ, nhiều trường hợp khác bị miệt thị, xa lánh.