Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietnam Airlines không có kế hoạch thoái vốn khỏi Jetstar

“Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng Jetstar, nên trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành, Vietnam Airlines không có kế hoạch rút khỏi hãng hàng không này”.

Trả lời tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức tại TP.HCM sáng nay, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong 10 danh mục đầu tư ngoài ngành đơn vị này phải thoái vốn theo lộ trình từ 2013 đến 2015, hiện đơn vị đã thực hiện thoái vốn xong với 5 danh mục. Trong quá trình thực hiện, đơn vị cũng nghiên cứu, đầu tư thêm những ngành để hỗ trợ việc phát triển kinh doanh, đồng thời dừng đầu tư với những ngành không phù hợp (ngoài danh sách những hạng mục phải thoái vốn).

Riêng việc nắm giữ cổ phần chi phối tại hãng hàng không Jetstar Pacific, ông Minh cho biết, do Vietnam Airlines đang trong quá trình đầu tư, xây dựng hãng không không giá rẻ này nên không có kế hoạch thoái vốn khỏi Jetstar.

 Sau cổ phần, Vietnam Airlines cũng thay thế toàn bộ đội máy bay hiện tại bằng máy bay Boeing 787-9 và Airbus A350 -900, trở thành hãng hàng không thứ 2 của thế giới khai thác  đồng thời 2 dòng máy bay hiện đại này.

Ngày 14/11 tới, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines sẽ được tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Đây được cho là một trong những đợt IPO được mong chờ nhất từ đầu năm đến nay. Việc cổ phần hóa sẽ thực hiện theo hình thức giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Theo phương án cổ phần hóa, Vietnam Airlines có vốn điều lệ dự kiến hơn 14.101 tỷ đồng và bán đấu giá hơn 49 triệu cổ phần, tương đương 3,5% vốn điều lệ. 

Sau cổ phần, nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ, 20% bán cho nhà đầu tư chiến lược, còn lại 48,8 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai và 1,5% cổ phần cho người lao động.

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, việc bán 25% cổ phần trong thời điểm này là phù hợp với tình hình thị trường. Trong thời gian tới, phần chi phối của Nhà nước sẽ tiếp tục giảm xuống, nhưng không dưới 65%.

Với giá khởi điểm 22.300 đồng/cp, quy mô của đợt đấu giá này xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, và vốn hóa của Vietnam Airlines sẽ ở mức hơn 31.400 tỷ đồng (xấp xỉ 1,5 tỷ USD).

Sau cổ phần hóa, từ năm 2015, VietnamAirlines bắt đầu chương trình đổi mới toàn bộ đội máy bay thân rộng bằng 2 dòng máy bay thế hệ mới, hiện đại, là Boeing 787-9 và Airbus A350 -900. Số lượng máy bay trong năm 2015 sẽ là 95 chiếc và đạt 116 chiếc vào năm 2018, để hướng đến mục tiêu vận chuyển đạt 32 triệu lượt khách vào năm 2020. Hãng cũng nâng cấp dịch vụ đạt chuẩn 4 sao. Ông Phạm Ngọc Minh khẳng định, đơn vị này sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận cao từ năm 2018, bởi đây là thời điểm đơn vị hoàn tất đội mới đội máy bay, hoàn tất các chương trình nâng cấp dịch vụ, quản lý chuyên nghiệp hơn sau cổ phần...

Cũng theo ông Minh, Vietnam Airlines vẫn chú trọng vào thị trường truyền thống, tức là phân khúc khách hàng có thu nhập. Đây là thị phần tăng trưởng ổn định nhất, với mức tăng đều đặn 7-8%/năm những năm gần đây.

Riêng với phân khúc hàng không gia rẻ, ông Minh cho biết đơn vị đang có kế hoạch liên kết, hình thành nhóm để cạnh tranh tốt hơn, mang lại dịch vụ tốt hơn với khách hàng của thị trường này.

Thông tin về việc chưa có nhà đầu tư chiến lược đến thời điểm này, theo ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: "Chúng ta đừng hoảng loạn khi không có nhà đầu tư chiến lược. Người ta cũng cần lợi ích của người ta; mình cũng cần lợi ích của mình. Chúng ta mong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhanh, nhưng nếu không có thì VietnamAirlines vẫn hoạt động bình thường". Cũng theo ông Muôn, tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược để bán cổ phần của Vietnam Airlines có thể là hãng hàng không, các tập đoàn, công ty tài chính, nhưng ưu tiên với hãng hàng không, và không quá 3 nhà đầu tư chiến lược.

Thành lập năm 1995, Tổng công ty Hàng không Việt Nam hiện có 17 công ty con và 9 công ty liên kết. Bên cạnh dịch vụ truyền thống Vietnam Airlines cũng đang điều hành kinh doanh công ty bay dịch vụ hàng không Vasco, nắm giữ cổ phần chi phối ở hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific và góp vốn liên doanh tại Cambodia Angkor Air. 

Là một trong những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, tổng giá trị tài sản Vietnam Airlines hiện nắm giữ là hơn 57.000 tỷ đồng cùng 990.000 m2 đất và nhiều tài sản khác. 

Hãng đang khai thác 39 đường bay nội địa và 52 đường bay quốc tế, chiếm 40,6% thị phần vận chuyển hành khách đi/đến tại Việt Nam.

 

H.Linh

Bạn có thể quan tâm