Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietnam Airlines hạ mức chi lương nhân viên bán hàng

Quý I/2017, chi phí tăng cao khiến lãi ròng của Vietnam Airlines giảm sút gần 40% so với cùng kỳ, đạt 743 tỷ đồng. Tại công ty mẹ, mức chi cho lương nhân viên bị cắt giảm.

Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) - mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I. 

Theo đó, 3 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của hãng tăng 17% so với cùng kỳ, đạt hơn 20.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng tới 22%, kéo lãi gộp của Vietnam Airlines giảm xuống 3.246 tỷ đồng.

Những năm trước đó, hoạt động tài chính luôn là lĩnh vực đóng góp đáng kể vào kết quả lợi nhuận của Vietnam Airlines thì đến quý I năm nay, hoạt động này đã giảm tới 72%, chỉ mang về cho hãng hơn 242 tỷ đồng, trong khi mức chi phí tài chính chỉ giảm 30%.

Kết quả, sau khi trừ thuế và các chi phí liên quan, toàn tổng công ty Vietnam Airlines thu về 743 tỷ đồng lãi ròng trong quý I, giảm gần 40% so với cùng kỳ 2016. Riêng công ty mẹ Vietnam Airlines đạt 561 tỷ đồng tiền lãi, giảm 43%.

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm kết quả lợi nhuận, Vietnam Airlines cho biết do giá dầu bình quân trong quý I đã tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Chính yếu tố này khiến chi phí vận hành đội bay trong 3 tháng đầu năm tăng mạnh.

Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động tài chính 3 tháng đầu năm nay giảm do không phát sinh thu từ hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và lợi nhuận tài chính từ chênh lệch tỷ giá giảm do mức độ biến động tỷ giá USD trong quý I ít hơn so với mức giảm cùng kỳ.

Loi nhuan giam sut,  vietnam airlines giam luong nv anh 1
So với quý I/2016, lợi nhuận ròng quý I năm nay của Vietnam Airlines đã giảm hơn 40%. Đồ họa: Quang Thắng.

Trước đó, trong quý IV/2016, Vietnam Airlines cũng báo lỗ ròng lên tới 444 tỷ đồng.

Ngoài kết quả kinh doanh giảm tới 40%, Vietnam Airlines cũng giảm mức chi trả lương của nhân viên trong quý I.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm, hãng đã cắt giảm tới 11% mức chi trả lương của nhân viên bán hàng. Hãng chỉ chi ra hơn 47 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên bán hàng trong khi cùng kỳ năm 2016 mức chi trả này là 53 tỷ đồng.

Tổng cộng, trong 3 tháng đầu năm 2017, Vietnam Airlines đã chi 142 tỷ đồng trả lương cho nhân viên bán hàng và quản lý doanh nghiệp, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo tài chính quý I không đề cập tới số lượng nhân viên đang công tác tại công ty nên không thể xác định mức lương bình quân của nhân viên nhận được trong quý I.

Tính đến hết 3 tháng đầu năm, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 96.744 tỷ đồng, đồng thời công ty cũng có khoản lãi lũy kế lên tới 2.543 tỷ đồng.

3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng bởi giá dầu bắt đầu phục hồi. Cụ thể, giá thanh toán nhiên liệu bình quân quý I của Vietnam Airlines là 65,19 USD/thùng, tăng 13,64 USD/thùng so với cùng kỳ. Điều này khiến chi phí nhiên liệu của hãng tăng hơn 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Trong quý I/2017, hãng cho hay đã thực hiện thành công gần 34.500 chuyến bay an toàn. Chỉ số đúng giờ được nâng cao đạt 91,6%, hãng hoàn thành vận chuyển trên 5 triệu lượt khách cùng 76.000 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 9,3% và 23% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Vietnam Airlines, trong 3 tháng đầu năm hãng vẫn duy trì thị phần 61% thị trường bay nội địa.

Overbooking, chuyện khó nói của hàng không Việt

Đây là một “nghiệp vụ” hàng không phổ biến nhưng các hãng hàng không Việt Nam không muốn đề cập, và ít khách biết mình có thể bị loại khỏi chuyến bay dù có sẵn vé trên tay.

Chân dung Vietstar Airlines, hãng hàng không nội địa mới chờ cấp phép

Trình lại phương án cấp phép vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines điều chỉnh kế hoạch chỉ còn 10 máy bay nay đến 2020, trong đó 5 chiếc đậu ở Tân Sơn Nhất.

 


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm