VietJetAir đánh tập hậu
Hãng hàng không giá rẻ Việt Nam đang dự kiến khai thác mạng bay nội địa ngay của Thái Lan - thị trường hiện có lượng du khách dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Những ngày này, sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok tràn ngập các chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới đưa du khách đến Thái Lan. Năm nay, ngành du lịch nước này đặt tham vọng đón gần 25 triệu du khách so với chỉ khoảng 6,5 triệu của Việt Nam. Ngành hàng không sẽ được hưởng lợi lớn. Đây cũng chính là lý do VietJetAir bắt tay với Kan Air của Thái.
VietJetAir vẫn đang trong quá trình củng cố thị trường nội địa. |
Đánh từ ngoài vào
Hôm 30/5, nhật báo Bangkok Post đưa tin hãng hàng không giá rẻ VietJetAir đang trong quá trình đàm phán để lập hãng bay liên doanh với Kan Air của Thái Lan. Mục tiêu của VietJetAir là khai thác mạng bay nội địa ngay tại thị trường hiện có lượng du khách dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo của VietJetAir đến nay vẫn chưa nói gì về kế hoạch này. Tuy nhiên, tờ Bangkok Post tiết lộ, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch thì liên doanh này sẽ chính thức cất cánh thương mại từ tháng 1/2014 với 2 máy bay A320 bằng các đường bay nội địa tại Thái Lan trước khi tiến ra khu vực.
Trả lời phỏng vấn của Bangkok Post, ông Somphong Sooksanguan, Chủ tịch Kan Air cho biết, hãng liên doanh giá rẻ này dự kiến sẽ mang tên Thai VietJetAir. Kan Air sẽ sở hữu 51% vốn liên doanh, VietJetAir nắm 49%, nhưng vốn đầu tư ban đầu cho hãng vẫn đang thương thảo.
Kế hoạch lập liên doanh với Kan Air cho thấy, VietJetAir sẽ tiếp tục theo đuổi tham vọng của mình là trở thành hãng giá rẻ đầu tiên của Việt Nam khai thác mạng bay nội địa lẫn quốc tế thông qua hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Trước đó, kế hoạch liên doanh này đã một lần thất bại vào năm 2011 khi AirAsia quyết định buông VietJetAir sau khi không thể chốt việc mua 30% cổ phần của hãng nội địa này vì nhiều lý do.
VietJetAir có chuyến bay thương mại đầu tiên TP.HCM - Hà Nội ngày 25/12/2011. Kể từ đó, Hãng đã có quá trình phát triển mang tính đại nhảy vọt. Tuần qua, VietJetAir đã tăng thêm 2 chiếc A320, nâng đội bay của hãng lên 8 chiếc.
Từ ngày 1/6, hãng khai thác chuyến bay hằng ngày Hà Nội - Bangkok sau khi mở đường bay TP.HCM - Bangkok từ ngày 10/2. Theo ông Dương Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Jetstar Pacific, những nỗ lực của VietJetAir về phát triển mạng bay cùng đội máy bay như hiện nay chỉ sau 1,5 năm hoạt động là đáng ghi nhận (hãng có 8 đường bay nội địa và 2 đường bay quốc tế). Trong khi đó, Jetstar Pacific hiện có đội bay chỉ với 5 chiếc A320 sau khi tái cơ cấu và vẫn chưa thể bay quốc tế với tiềm lực tài chính như hiện nay.
Vốn ở đâu ra?
Ngay sau khi thông tin về liên doanh hàng không giá rẻ Thai VietJetAir được công bố trên tờ Bangkok Post, một cựu lãnh đạo của Indochina Airlines (không muốn nêu tên) nhận xét: “VietJetAir đang chơi trò đi trên dây”.
Theo ông, trước tiên, VietJetAir cần phải đứng vững trên đôi chân của mình ngay tại thị trường nội địa. Hiện VietJetAir vẫn đang trong quá trình củng cố thị trường và thời gian có thể kéo dài trên 3 năm để hãng có thể tiến tới điểm hòa vốn cho mảng nội địa.
Tuy nhiên, đây là vấn đề nan giải vì chi phí hoạt động hiện nay là khá lớn. “Chỉ riêng giá thuê một chiếc A320 có thể lên tới hơn 300.000 USD/tháng cùng với các chi phí khác. Chưa biết, VietJetAir có thể gồng đến bao giờ”, ông Lê Song Lai, nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific, nói.
Trong khi đó, đối tác liên doanh của VietJetAir tại Thái Lan - Kan Air chỉ là hãng giá rẻ khá non trẻ (ra đời năm 2010, vốn khoảng 140 tỷ đồng) với đội bay là chiếc Cessna (12-14 ghế) và Beechcraft (6 ghế), khai thác 5 đường bay nội địa.
Như vậy, để liên doanh Thai VietJetAir có thể cất cánh vào tháng 1/2014 như dự kiến, cả 2 bên còn quá nhiều việc phải làm. Tất nhiên, vốn đầu tư ban đầu là vấn đề quan trọng và phải có ít nhất từ 5-10 triệu USD trở lên.
Chiến lược tham gia liên doanh ở Thái Lan để khai thác thị trường nước ngoài trước khi mở rộng mạng bay ra khu vực, trong đó có Việt Nam được giới trong ngành ví như chiêu đánh tập hậu từ ngoài vào của VietJetAir. Trước đây, hãng này từng thất bại với chiến lược đánh từ trong ra ngoài thông qua liên doanh với AirAsia.
VietJetAir khi đó định lập liên doanh với AirAsia theo mô hình hàng không chi phí thấp tại Việt Nam, khai thác cả tuyến trong nước và quốc tế. Tuy nhiên việc hợp tác không thành sau khi AirAsia rút lui. Trớ trêu là, giờ AirAsia sẽ trở thành đối thủ của VietJetAir, bởi họ đã có các chuyến bay nối Bangkok với Hà Nội và TP.HCM.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư