Chiều 1/10, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về mức phí cách ly ở khách sạn. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Sở Du lịch, Sở Y tế, Cảng vụ hàng không miền Nam, Phòng quản lý xuất nhập cảnh, và hãng hàng không VietJet.
"Sau khi nắm thông tin về việc 158 khách nhập cảnh không thể về khu cách ly ngày 30/9, Thường trực UBND TP.HCM đã đề nghị tổ chức buổi họp báo để làm rõ vấn đề này", ông Từ Lương cho hay.
Có dấu hiệu lôi kéo để cách ly tập trung
Mở đầu buổi họp báo, Zing đề nghị đại diện hãng hàng không VietJet và các bên liên quan cung cấp thông tin cụ thể nguyên nhân, diễn biến vụ việc 158 hành khách mắc kẹt tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/9.
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty cổ phần hàng không VietJet, cho biết sự số xảy ra sau khi chuyến bay thương mại quốc tế mang số hiệu VJ963 hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến bay chở theo 158 hành khách Việt Nam và nước ngoài cất cánh từ sân bay Incheon (Hàn Quốc).
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty cổ phần hàng không VietJet. Ảnh: Quang Huy. |
Sau khi hạ cánh lúc 12h30, một số khách hàng có biểu hiện không hợp tác, bất đồng về giá, phương án cách ly thu phí. Vụ việc khiến hơn 150 hành khách tập trung tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 10 tiếng.
"Chúng tôi đã thông báo với khách hàng về những yêu cầu bắt buộc, điều kiện cách ly và nêu rõ khách hàng sẽ được áp dụng cách ly thu phí. Trục trặc vừa rồi có thể do khách hàng hiểu sai hoặc kỳ vọng hơi quá", bà Bình chia sẻ.
Đại diện VietJet cho biết hãng hàng không này không có trách nhiệm thông báo cho khách hàng giá cách ly cụ thể. Theo hướng dẫn của Sở Du lịch và Sở Y tế, VietJet đã thông báo với khách hàng giá cách ly dự kiến là 100 USD/ngày.
158 hành khách của Vietjet hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/9. Ảnh: Vietjet Air. |
Ông Đoàn Quốc Bình, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam,cho biết trước khi lên máy bay, toàn bộ hành khách đã đồng ý chấp thuận cách ly trả phí. Khi nhập cảnh, một số hành khách có dấu hiệu lôi kéo nhau không tuân thủ để được về nơi cách ly tập trung.
"Sau khi thỏa thuận, 43 hành khách đã đồng ý cách ly tại khách sạn với mức phí 1,3 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, nhóm người đã gây rối khi được chở miễn phí về khách sạn, lực lượng y tế đành chấp thuận đưa họ đi cách ly tập trung ở huyện Cần Giờ", ông Bình cho hay.
Hiện tại, 140 người thuộc nhóm du khách trên đã được cách ly tập trung tại huyện Cần Giờ, 17 người chấp thuận cách ly trả phí tại các khách sạn, 1 bệnh nhân suy thận mạn được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Toàn bộ 158 du khách đã được lấy mẫu xét nghiệm và có tình trạng sức khỏe tốt.
TP.HCM đáp ứng đủ nhu cầu cách ly trả phí
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khẳng định thành phố có đầy đủ khách sạn, khu lưu trú để đáp ứng như cầu cách ly trả phí thời gian tới. Hiện, TP.HCM có 8 khách sạn với 940 phòng được cấp phép làm địa điểm cách ly.
Các khách sạn này chia theo phân khúc bình dân đến cao cấp, từ 2-5 sao với biểu giá trung bình từ 1,2-5 triệu đồng/ngày. Mức giá sẽ tăng thêm nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ kèm theo.
Khu cách ly thu phí tại Cần Giờ đón du khách nhập cảnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tính đến nay, 700 phòng của 9 khách sạn đã được đưa vào sử dụng, 240 phòng còn lại sẵn sàng tiếp nhận người có nhu cầu.
"Trước khả năng nhu cầu cách ly trả phí sẽ tăng khi mở lại các chuyến bay quốc tế, sở đã thẩm định, khảo sát 16 khách sạn với 1.025 phòng. Ngoài ra, 15 cơ sở khác cũng sẵn sàng chuyển đổi thành nơi cách ly thu phí", bà Ánh Hoa thông tin.
Trả lời báo chí về phương án phân loại hình thức cách ly khi nhập cảnh, ông Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết ngoại trừ những chuyến bay giải cứu, toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam đều được áp dụng hình thức cách ly trả phí.
Theo quy định, người cách ly trả phí cần ở phòng riêng hoặc tối đa 2 người mỗi phòng. Việc một số người trong nhóm 158 hành khách trên yêu cầu ở 4 người mỗi phòng là không phù hợp.