Báo cáo tại đại hội cho biết, thị trường hàng không đầu năm có dấu hiệu khởi sắc, Vietjet xây dựng kế hoạch kinh doanh với thông điệp “Trở lại bầu trời”, sẵn sàng cho kinh doanh quốc tế từ tháng 7.
Với diễn biến của dịch Covid-19, đại hội đã thông qua nghị quyết xây dựng lại kế hoạch kinh doanh thận trọng. Cụ thể, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu vận tải hàng không đạt 15.500 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 21.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020 nhờ thúc đẩy vận tải hàng hóa, mở rộng kinh doanh dịch vụ mới, đào tạo nhân lực, sửa chữa kỹ thuật tàu bay, đầu tư dự án và tài chính, bên cạnh vận tải hàng không, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.
Hãng tiếp tục chiến lược xác định khách hàng là trọng tâm, nỗ lực đổi mới, sáng tạo; ứng dụng công nghệ vào tất cả dịch vụ và công tác vận hành, tăng tốc hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ; đạt tỷ lệ lấp đầy chuyến trên 80%, tỷ lệ đúng giờ trên 90%, tổng hành khách vận chuyển 15 triệu lượt trên toàn mạng. Vietjet cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị cho Học viện Hàng không Vietjet; xây dựng công viên công nghệ, đón chuyên gia… hướng đến góp mặt vào top đầu hãng hàng không thế giới.
Doanh thu công ty mẹ năm 2020 đạt 15.203 tỷ đồng, lỗ hoạt động vận tải hàng không ở mức 1.453 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất đạt 18.220 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 68 tỷ đồng. Với kết quả trên, Vietjet thuộc số ít hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác chính, không để người lao động mất việc và đạt kết quả kinh doanh có lợi nhuận trong năm 2020.
Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất tăng 20% so với năm 2020. Ảnh: Hữu Tài. |
Theo báo cáo, tổng tài sản của Vietjet đạt 45.197 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 17.325 tỷ đồng gồm cổ phiếu quỹ, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức 0,66 lần và chỉ số thanh khoản hiện hành duy trì mức 1,28 lần. Năm qua, hãng mở 8 đường bay nội địa, chuyên chở trên 15 triệu khách hàng trên toàn mạng và thực hiện gần 79.000 chuyến với hơn 120.000 giờ bay an toàn, hệ số sử dụng ghế đạt trên 80%, tỷ lệ đúng giờ trên 90%. Vietjet có độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%, AirlineRatings xếp hạng 7/7 sao về an toàn, được bình chọn có chi phí thấp an toàn nhất thế giới năm 2020.
Phương thức khai thác mới, phát triển mảng vận tải hàng hóa với hơn 60.000 tấn hàng trên gần 1.200 chuyến bay. Vietjet được phê chuẩn vận chuyển hàng hóa trong khoang hành khách (CIPC). Qua các thỏa thuận liên danh, hãng vận chuyển hàng đến châu Mỹ, châu Âu, tăng nguồn thu cho công ty mẹ. Payload Asia công nhận Vietjet là Hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lý tốt nhất của năm và Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hoá tốt nhất năm.
Năm 2020, hãng này lần đầu vận hành Trung tâm Khai thác Mặt đất Vietjet (VJGS) tại sân bay quốc tế Nội Bài, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm phí thuê ngoài. Hãng tăng cường chương trình đào tạo nhân viên, học viên với hơn 47.300 giờ huấn luyện. VJAA hợp tác nhà sản xuất máy bay Airbus lắp đặt mới buồng đào tạo lái mô phỏng (SIM) thứ hai, nâng cao năng lực đào tạo phi công, đưa VJAA trở thành trung tâm đào tạo và thực hành hàng không hiện đại trong khu vực…
Bên cạnh kinh doanh, hãng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ hành khách và cộng đồng qua các chuyến bay giải tỏa khách, vận chuyển miễn phí hàng hóa cho người dân vùng bị thiệt hại bởi bão lũ miền Trung Việt Nam, tặng khẩu trang y tế cho người dân nước Pháp, Anh, Đức, Mỹ…
Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua tờ trình báo cáo phân phối lợi nhuận theo Nghị quyết 01-2020 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm nay. Theo đó, HĐQT tiếp tục thực hiện chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu, tập trung nguồn lực cho vận tải hàng không và quyết định kế hoạch phân phối lợi nhuận.
Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định phía trước là tương lai tốt đẹp. Ảnh: Hữu Tài. |
Nhằm đảm bảo nguồn lực phát triển an toàn và hiệu quả khi thị trường phục hồi, đại hội giao HĐQT quyết định phương án tăng vốn điều lệ qua phát hành chào bán cổ phần riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ và phương án phát hành trái phiếu quốc tế 2021-2022 trị giá 300 triệu USD, cho phép Vietjet thực hiện chiến lược nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục phát triển bền vững.
Đại hội cũng thông qua phương án chào bán 10 triệu cổ phiếu cho người lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khích lệ tinh thần làm việc và gắn bó lâu dài. Ban Điều hành cam kết tiếp tục đưa Vietjet đi qua đại dịch, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững khi kinh tế Việt Nam dự báo tăng GDP ở mức 6,7%.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, khẳng định: “Phía trước là tương lai tốt đẹp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ, không ngừng nghỉ để tương lai ấy đến gần hơn”.
Bình luận