Kiểm toán Nhà nước mới đây đã công bố đề cương kiểm toán chuyên đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Phê duyệt trong đề cương kiểm toán lần này, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan kiểm toán sẽ đánh giá việc phê duyệt phương án xử lý nợ xấu; thanh tra, giám sát việc thu hồi nợ xấu tại các ngân hàng thuộc diện kiểm toán lần này.
Theo đó, Vietinbank, BIDV và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ thuộc diện phải kiểm toán lần này. Ngoài ra, 18 ngân hàng thương mại cổ phần khác gồm ABBank, ACB, BacABank, CBBank, Eximbank, GPBank, HDBank, NamABank, OCB, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, VietCapitalBank, VIB, VietABank, VietBank và VPBank cũng sẽ bị kiểm toán về hoạt động tương tự.
Hàng loạt ngân hàng sẽ nằm trong diện kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: NBA. |
Thông qua kiểm toán một số hồ sơ cụ thể, Kiểm toán Nhà nước sẽ làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu tại các nhà băng này.
Riêng hoạt động tại VAMC, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá thêm việc mua bán, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo được mua lại từ các ngân hàng thương mại của tổ chức này.
Về hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ chỉ thực hiện kiểm toán, đánh giá các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, và không thực hiện kiểm toán, đánh giá công tác thẩm định, phê duyệt, giải ngân phân loại nợ của các ngân hàng.
Đồng thời, đơn vị cũng không chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá trị tài sản đảm bảo khi thực hiện xử lý.
Ngoài ra, kiểm toán cũng sẽ không thực hiện kiểm tra, đối chiếu với khách hàng vay vốn, các bên có liên quan trong việc thực hiện xử lý nợ xấu. Các ngân hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, hợp pháp của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho đơn vị kiểm toán.
Trước đó, báo cáo của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được tổng cộng 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 từ ngày 15/8/2017 đến 30/6/2018. Số nợ xấu đã xử lý này cũng không bao gồm số nợ được xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Trong đó, số xử lý nợ xấu nội bảng là 70.200 tỷ, chiếm 50,78% tổng nợ xấu đã xử lý. Cùng với đó là 21.500 tỷ đồng xử lý các khoản nợ xấu ngoài bảng cân đối (15,61%) và 46.400 tỷ đồng xử lý qua các khoản nợ đã bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt (33,59%).
Ngoài ra, tính đến cùng thời điểm, các tổ chức tín dụng trong nước đã sử dụng 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu nội bảng.
Số nợ xấu tại 6 tổ chức tín dụng (Agribank, BIDV, Vietinbank, ACB, Techcombank, Sacombank) trước đó được NHNN lựa chọn để tập trung chỉ đạo xử lý chiếm gần 53% nợ xấu toàn hệ thống.
Theo đó, kết quả xử lý nợ xấu tại 6 tổ chức này đã đạt 77.600 tỷ đồng, số này không bao gồm các khoản dự phòng rủi ro.
Ngoài ra, trong số 138.290 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý được (tính đến 6/2018), nợ xấu xử lý tại khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chiếm chủ yếu với dư nợ xử lý đạt 68.900 tỷ đồng, tương đương 50% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý trên toàn hệ thống. Nhóm ngân hàng này cũng đã dành khoảng 43.800 tỷ đồng để xử lý nợ theo phương pháp dự phòng rủi ro.
Báo cáo tổng kết năm 2018 của NHNN cũng cho biết tính đến tháng 12/2018, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 183.000 tỷ đồng trên tổng số 568.000 tỷ đồng nợ xấu, đạt hơn 32% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42.
Các tổ chức tín dụng ước tính đã sử dụng 83.600 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.