Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 6/4 cho biết sau 9 năm giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”. S&P cũng xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”.
Đây là lần đầu tiên từ tháng 12/2010, S&P thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
Theo NHNN, S&P đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam. S&P ghi nhận những cải cách nền tảng thể chế của Việt Nam dựa trên cải thiện nhất quán, mạnh mẽ của kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị tiếp tục.
S&P đánh giá Việt Nam là nước có thu nhập thuộc nhóm trung bình thấp nhưng nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có cơ cấu đa dạng. Tốc độ tăng trưởng GDP thực trung bình của Việt Nam là 6,2%/năm từ năm 2012. GDP bình quân đầu người cũng tăng từ 1.754 USD năm 2012 lên 2.572 USD năm 2018.
S&P cũng đưa ra dự báo GDP bình quân đầu người thực của Việt Nam sẽ đạt mức 5,7%/năm từ nay đến năm 2022. Đây là con số cao hơn mức trung bình của các nước có mức thu nhập tương đồng.
Nền kinh tế Việt Nam được S&P đánh giá phát triển nhanh và có cơ cấu đa dạng. Ảnh minh họa: Reuters. |
S&P cũng trích dẫn xếp hạng Việt Nam về môi trường kinh doanh trong Báo cáo Doing Business của World Bank và nhìn nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện tốt những năm gần đây. Năm 2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng 69/190, tăng 30 bậc từ năm 2012.
Về hoạt động ngân hàng, S&P đánh giá quy mô dư nợ tín dụng so với GDP của Việt Nam tương đối lớn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo NHNN, việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng đã giúp tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2018. Xu hướng này có thể được tiếp tục duy trì trong những năm tới.
Đánh giá tính chuyển đổi của đồng VND cũng được S&P nâng hạng từ “BB-” lên “BB”. S&P cho rằng việc sử dụng các công cụ mang tính thị trường trong thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam phát huy hiệu quả duy trì lạm phát ở mức thấp trong những năm gần đây.
Theo NHNN, S&P có thể tiếp tục cân nhắc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới nếu nền tảng kinh tế vững chắc, môi trường thể chế giúp cải thiện kết quả tài khóa tốt hơn kỳ vọng.
Trước S&P, hai tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín khác là Moody's và Fitch cũng đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong 12 tháng qua.
Fitch Ratings thăng hạng cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định” vào tháng 5/2018. Sau đó, Moody’s cũng nâng xếp hạng của Việt Nam từ mức “B1” lên “Ba3” với triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” vào tháng 8/2018.