Vietcombank mới đây đã thông báo về việc phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa để thu hồi khoản nợ đi kèm. Đây là lần thứ 5 ngân hàng này thông báo bán thanh lý tài sản của nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô nói trên.
So với giá rao bán lần đầu là 44,3 tỷ đồng (tháng 4/2020), giá rao bán lần thứ 5 của Vietcombank đã giảm 8 tỷ, còn 36,3 tỷ đồng, tương đương mức giảm 18% chỉ sau 4 tháng. Trong 4 lần rao bán trước đó, dù liên tục hạ giá tài sản đảm bảo của khoản nợ, không có bất kỳ nhà đầu tư nào đứng ra mua lại.
Nhà băng này cho biết hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị của Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bao gồm toàn bộ tài sản gắn liền với đất của dự án.
Trong đó, tài sản gắn liền với đất gồm toàn bộ tài sản trên đất được hình thành thuộc dự án xây dựng Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc. Diện tích sử dụng là 456.344 m2 và diện tích nhà xưởng xây dựng khoảng 36.000 m2, thời hạn sử dụng đất đến ngày 26/1/2059.
Tài sản là máy móc thiết bị của Vinaxuki Thanh Hóa bao gồm cẩu trục 10 tấn, cẩu trục 5 tấn, 2 máy nén khí, máy sấy khí, 4 máy cán tôn thủy lực và các loại máy xúc, máy ủi…
Đáng chú ý, Vietcombank không phải ngân hàng đầu tiên rao bán tài sản và khoản nợ có liên quan tới Vinaxuki. Tháng 2 đầu năm, ngân hàng BIDV cũng ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên.
Tham vọng "made in Vietnam" xe hơi khiến ông chủ Vinaxuki rơi vào cảnh nợ nần. Ảnh: Lê Hiếu. |
Đây là khoản nợ đã được BIDV giải ngân cho Vinaxuki và nhà máy tại Thái Nguyên vay để vận hành sản xuất ôtô “made in Vietnam” từ những năm trước đó.
Tổng dư nợ gốc và lãi đến cuối năm 2019 là 1.265 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm gồm 1 lô đất và tài sản gắn liền tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội), tổng diện tích 138.814 m2. Đây cũng chính là nơi đặt nhà máy sản xuất của Vinaxuki.
Ngoài ra, máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên (Thái Nguyên) cũng được cầm cố cho khoản nợ kể trên.
Vinaxuki là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô đầu tiên tại Việt Nam do đại gia một thời Bùi Ngọc Huyên sở hữu với tham vọng “made in Vietnam” ngành công nghiệp bốn bánh.
Trong giai đoạn 2006-2008, Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27% và 3 dòng xe hơi với tỷ lệ nội địa hóa 5%. Những năm này, hoạt động của nhà máy đều có lãi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, kinh tế năm 2010 khó khăn khiến thị trường ôtô suy giảm, hàng nghìn xe lắp ráp xong không bán được, xe bán được cũng phải giảm giá dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn.
Lợi nhuận của Vinaxuki giảm dần và lần đầu báo lỗ 45 tỷ vào năm 2012. Những năm tiếp theo kết quả kinh doanh vẫn khó khăn trong khi hệ thống ngân hàng rơi vào thời kỳ suy yếu 2012-2013 khiến Vinaxuki không thể quay vòng vốn.
Ông chủ Vinaxuki đã phải bán cả nhà ở, vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng, mong được tái cơ cấu để vay vốn lưu động nhưng không thành. Nhà máy sau đó rơi vào tình trạng không còn tiền để trả lương người lao động, mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần ngừng hoạt động ở Thanh Hóa, Mê Linh và Đắk Nông.