Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietcombank chủ động giảm phí hỗ trợ khách hàng mùa dịch

Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và chi trả nhiều loại phí, Vietcombank vẫn tích cực triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng.

Tháng 2 vừa qua, đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt. Đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông…

Với ngành tài chính - ngân hàng, đến năm 2025, mục tiêu tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại là 16-17%; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%; ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) châu Á.

Giai đoạn 2015-2020, nhiều ngân hàng đầu tư tăng sản phẩm dịch vụ hàm lượng tri thức và công nghệ cao, hướng đến triển khai ngân hàng số, tăng thu nhập từ phí dịch vụ, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng. Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, không ít nhà băng chủ động giảm phí hỗ trợ khách hàng.

Vietcombank ho tro khach hang anh 1

Vietcombank chủ động giảm miễn giảm phí một số giao dịch cho khách hàng.

Điển hình, Vietcombank chủ động triển khai các kế hoạch hỗ trợ từ gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất đến cho vay mới với lãi suất ưu đãi và miễn, giảm phí. Với lĩnh vực ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ, nhà băng này triển khai các biện pháp miễn, giảm phí; hỗ trợ, khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán thẻ và trực tuyến.

Cụ thể, ngân hàng miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống Covid-19 và xâm nhập mặn; giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng được mở rộng đến đa dạng đối tượng khách hàng trên nhiều kênh; giảm phí thanh toán Ecom thẻ nội địa cho 3 hãng hàng không và đường sắt Việt Nam. Đồng thời, Vietcombank gửi thẻ tín dụng trực tiếp cho khách tại Việt Nam, kích hoạt thẻ qua các kênh ngân hàng điện tử.

Để triển khai những dịch vụ này, ngân hàng phải trả phí đổi mới và đầu tư nâng cấp công nghệ cho đối tác cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử. Cụ thể, nhà băng chịu phí chuyển tiền trả trung gian thanh toán với giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng; phí tin nhắn phát sinh; chi phí duy trì vận hành hệ thống.

Vietcombank ho tro khach hang anh 2

Các ngân hàng khó khăn khi phải chi trả nhiều loại phí cho hoạt động thẻ.

Bà Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank - cho biết, giai đoạn 2020-2021, các ngân hàng phải dồn lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi công nghệ thẻ từ sang chip, khiến gánh nặng chi phí tăng.

“Bên cạnh đầu tư, phí trả các bên tham gia hoạt động thanh toán thẻ khá lớn. Ngân hàng là một bên trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng nhưng phải chi trả chi phí xử lý giao dịch, phí bản quyền cho các tổ chức thẻ quốc tế, công ty chuyển mạch quốc gia Việt Nam, đối tác viễn thông và các đối tác khác”, bà Vân chia sẻ.

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất các tổ chức thẻ quốc tế triển khai chính sách hỗ trợ ngân hàng như giảm phí xử lý giao dịch, phí chuyển đổi giao dịch… Đồng thời, hiệp hội gửi công văn đề nghị các nhà mạng viễn thông giảm phí SMS hỗ trợ ngân hàng đối phó tác động từ dịch Covid-19.

Hiện nay, ngân hàng duy trì tin nhắn SMS phục vụ nhu cầu thiết yếu, đảm bảo an toàn và sự yên tâm cho khách hàng. Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, các nhà băng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ từ các bên. Điều này giúp giảm gánh nặng của ngân hàng, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.

“Trong thời gian tới, các ngân hàng chờ những đối tác khác trong chuỗi cung ứng dịch vụ thanh toán như tổ chức thẻ quốc tế, nhà mạng… hành động tương tự. Trái bóng giảm phí đang nằm trong chân của họ”, bà Vân cho biết.

Giang Di Linh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm