Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đầu năm 2018, ngân hàng này sẽ bán hết vốn ở Eximbank và MBBank.
Ông Thành cho biết hiện Vietcombank còn vốn ở 5 số đơn vị, trong đó có 4 ngân hàng và một công ty tài chính. Tuy nhiên, phần vốn tại hai ngân hàng là SaigonBank và Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng như Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) không đáng kể, chỉ khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Giá trị lớn hơn là phần sở hữu tại MBBank và Eximbank, với tỷ lệ lần lượt là 7,16% và 8,19%.
Với việc thoái vốn khỏi Eximbank và MBBank, lãnh đạo Vietcombank cho biết số lợi nhuận thu về từ 2 thương vụ này sẽ lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, trước đây, ngân hàng có kế hoạch giữ lại phần vốn tại hai ngân hàng trên. MBBank là ngân hàng tốt, còn ở Eximbank, Vietcombank được khuyến nghị giữ lại, để hỗ trợ nhà băng này tái cơ cấu.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank thông tin sẽ thoái hết vốn ở cả 5 ngân hàng, công ty tài chính trên. Lộ trình đối với OCB, SaigonBank và CFC sẽ là hết năm 2017. Với hai ngân hàng còn lại, việc thoái vốn diễn ra ngay đầu năm 2018.
Ngày 20/11 tới, Vietcombank sẽ bán đấu giá phần vốn góp 132,5 tỷ đồng tại SaigonBank, và cũng chào bán 6,6 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại CFC.
Với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần của SaigonBank và 11.549 đồng/cổ phần tại CFC, số tiền thu về dự kiến khoảng gần 242 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách của hai khoản đầu tư này tính đến 31/12/2016, Vietcombank sẽ lãi khoảng 47,5 tỷ đồng.
Việc thoái vốn tại các đơn vị khác, theo thông tin từ lãnh đạo ngân hàng, là để thực thi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư này quy định mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng, mỗi nơi không được quá 5%.
Trên thị trường, Vietcombank là một trong những ngân hàng hiếm hoi còn duy trì sở hữu ở 5 tổ chức tín dụng. Và nếu thoái vốn hết, Vietcombank cũng là ngân hàng hiếm hoi không sở hữu cổ phần tại bất cứ một tổ chức tín dụng nào.