Báo cáo thường niên về chỉ số thịnh vượng toàn cầu lần thứ 10 - một khảo sát diện rộng đánh giá mức độ thịnh vượng của các quốc gia trên thế giới- vừa được công bố.
Độ giàu có của quốc gia là một yếu tố đánh giá của báo cáo. Tuy nhiên viện Legatum còn đánh giá rất nhiều tiêu chí khác trong xếp hạng. Bản báo cáo năm nay đánh giá 104 tiêu chí bao gồm GDP, tỷ lệ thất nghiệp hay những tiêu chí khác như mức độ phát triển Internet cũng như chế độ nghỉ dưỡng của người lao động...
New Zealand vươn lên vị trí số một nhờ sự toàn diện về các chỉ số kinh tế, xã hội, môi trường và bộ máy hành chính. Ảnh: Paul Bica/Flickr. |
104 tiêu chí này được chia thành 9 nhóm chính gồm có chất lượng nền kinh tế, môi trường kinh doanh, bộ máy hành chính, giáo dục, y tế, an ninh, tự do cá nhân, vốn xã hội và môi trường thiên nhiên.
Việt Nam xếp thứ 75 trên 149 quốc gia được xếp hạng và được đánh giá cao về các chỉ số trong nhóm kinh tế (hạng 36 thế giới) cũng như giáo dục (54 thế giới). Hai tiêu chí này đã giúp Việt Nam lọt vào nhóm các nước leo hạng nhanh nhất. Đánh giá cũng chia 149 quốc gia xếp hạng là 4 nhóm dựa trên mức độ thịnh vượng, trong đó Việt Nam ở nhóm 2 nhưng được cảnh báo có nguy cơ cao rơi xuống nhóm 3.
Sau 7 năm liền thống trị vị trí thứ nhất của bảng xếp hạng thịnh vượng, Na Uy đã tụt xuống vị trí thứ hai, nhường chỗ cho New Zealand. Top 10 của bảng xếp hạng ngoài hai nước trên lần lượt là Phần Lan, Thụy Sĩ, Canada, Australia, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Vương quốc Anh.
Mỹ xếp thứ 17 trong bảng xếp hạng, trong khi Trung Quốc xếp thứ 90. Quốc gia đông dân nhất thế giới bị đánh giá thấp nhất ở các nhóm chỉ tiêu về tự do con người cũng như vốn xã hội (các yếu tố về gắn kết xã hội, quan hệ giữa các cá nhân trong quốc gia và mức độ đóng góp của cá nhân với sự phát triển chung trong xã hội).
3 nước xếp chót bảng xếp hạng là Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan và Yemen.