Nhắc đến sử gia Nguyễn Thế Anh, giới sử học không thể không nhắc tới ba ấn phẩm nổi tiếng được xuất bản trước đây: Kinh tế xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua châu bản triều Duy Tân. Ba công trình được tái bản thường xuyên trong những năm gần đây.
Ấn phẩm Việt Nam vận hội được Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành mới đây là một trong những nỗ lực của nhóm biên soạn trong việc giới thiệu những nghiên cứu sử học giá trị của sử gia Nguyễn Thế Anh.
Việt Nam vận hội được tác giả chia thành ba phần chính. Ảnh: Sơn Khê. |
Việt Nam vận hội là cuốn sách tuyển tập các nghiên cứu của sử gia Nguyễn Thế Anh, được bố cục thành ba phần. Phần thứ nhất là Nhãn quan sử Việt.
Các nghiên cứu trong phần này thể thiện góc nhìn của tác giả về lịch sử Việt Nam, nhà nước và xã hội dân sự dưới thời chúa Trịnh, về các hội kín; về Nho sĩ và vấn đề kiến quốc đầu thế kỷ XX, về việc dùng thuyết Mác-xít để giải thích lịch sử bằng kinh tế xã hội.
Phần thứ hai của cuốn sách là Việt Nam nhìn từ quan hệ đối ngoại. Phần này là tuyển lựa các nghiên cứu của sử gia Nguyễn Thế Anh về mối quan hệ của Việt Nam với các nước khác.
Qua các nghiên cứu ở phần này người đọc sẽ thấy được phần nào sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam, sự khéo léo mềm dẻo của người Việt trong vấn đề ngoại giao, những phương sách tưởng chừng bất lợi nhưng lại vô cùng thỏa đáng.
Trong mỗi mối quan hệ của Việt Nam với từng nước, tác giả không chỉ xét riêng mối quan hệ hai chiều giữa hai nước, mà còn đặt các nước trong tổng thể dòng chảy của lịch sử Đông Nam Á, lịch sử thế giới và đưa ra những nhận định, đánh giá. Điều này giúp người đọc có được cái nhìn tổng quan, tránh cảm giác một chiều.
Phần thứ ba cũng là phần cuối của cuốn sách là phần Việt Nam nhìn từ nhân vật. Phần này có số lượng bài không nhiều. Nếu xét trong tổng thể nghiên cứu của sử gia Nguyễn Thế Anh, phần này có lẽ đã không được ra mắt quý độc giả như dự định ban đầu.
Ở đây, nhóm biên soạn chỉ bàn đến một vài vấn đề như Việt Nam nhìn qua Phan Thanh Giản, Khổng giáo và Huỳnh Thúc Kháng với tờ báo Tiếng Dân...
Sử học là câu chuyện của những người bình dân chứ không riêng tầng lớp vua chúa, của mọi mặt đời sống chứ không riêng nội tình cung thất, của cả những thất bại đáng buồn chứ không riêng các chiến công hiển hách.
Việc thần tượng hóa, mô-típ hóa, một chiều hóa sẽ vô tình khiến sử học đi vào một lối mòn. Với vốn tri thức uyên bác và dựa trên một góc nhìn đa chiều, các chuyên luận trong sách Việt Nam vận hội của sử gia Nguyễn Thế Anh đã soi rọi các chủ đề căn bản trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Cuốn sách đã đề cập nhiều vấn đề không mới nhưng được tiếp cận bằng một góc độ khác, khiến mỗi chủ đề lại trở nên như mới, đầy sức hút và cũng mở ra nhiều khoảng trống mới cho các nghiên cứu của thế hệ sau khai phá.
Sử gia Nguyễn Thế Anh sinh năm 1936, từng là Viện trưởng Viện Đại học Huế (1966-1969), Trưởng ban Sử học, Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969-1975).
Sau một thời gian ngắn cộng tác với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) và làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard, ông làm Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp tại Paris, Pháp.
Ông từng được trao trọng trách đứng đầu Trung tâm Lịch sử và Văn minh khu vực bán đảo Đông Dương thuộc École Pratique des Hautes Études - EPHE, Đại học Sorbonne, Paris và được vinh danh là Giáo sư Ưu tú của trường này.
Ông cũng là thành viên trong ban biên tập các tạp chí học thuật danh giá như Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême- Orient, Journal Asiatique, Journal of International and Area Studies, Moussons.
Ông được xem là sử gia hàng đầu thế giới về sử Việt và lịch sử Á Đông. Nghiên cứu sử học của sử gia Nguyễn Thế Anh tỏa rộng theo nhiều chủ đề như: Lịch sử địa chất học, nông nghiệp, và khí hậu học; hệ tư tưởng và tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Nho giáo, tín ngưỡng dân gian, và chủ nghĩa Marx; giao thương và thương mại; chiến tranh; lịch sử Đông Á và Đông Nam Á; sử Việt nói chung từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, đặc biệt nhấn mạnh triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc; và các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam sau năm 1945.