Ngày 28/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Bussiness 2016), trong đó VN được xếp thứ 90 trên 189 quốc gia, nền kinh tế.
So với chỉ số năm 2015, VN đã tăng 3 bậc nhưng vẫn đứng sau hàng loạt quốc gia trong khu vực như Singapore (đứng thứ 1), Malaysia (18), Thái Lan (49)..., thậm chí sau cả Rwanda (62), Jamaica (64), Kosovo (66), Morocco (75)...
Trả lời Tuổi Trẻ về bảng xếp hạng này, bà Nguyễn Minh Thảo - Phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng, nhiều chỉ số VN đã có cải cách và được ghi nhận, như tiêu chí khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế - bảo hiểm xã hội, giải quyết phá sản doanh nghiệp...
Đặc biệt, dù được đánh giá cải thiện mạnh nhất, thời gian giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày, nhưng chỉ số tiếp cận điện năng của VN vẫn đứng thứ... 108.
Người dân đến làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TP HCM. |
Trong khi đó, nhiều chỉ số quan trọng vẫn chưa được cải thiện hoặc cải thiện rất ít. Chẳng hạn, chỉ số về nộp thuế tăng 4 bậc (từ mức 172 lên mức 168), bởi khảo sát thực tế các doanh nghiệp cho thấy thời gian làm thủ tục thuế của VN vẫn lên tới 770 giờ (giảm 102 giờ), trong đó bảo hiểm xã hội giảm 62 giờ và thủ tục thuế giảm 40 giờ, thấp hơn nhiều so với con số 420 giờ mà Bộ Tài chính đã công bố.
Đặc biệt, thời gian để được cấp phép xây dựng ở VN lại tăng tới 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày), vẫn cần đến 10 thủ tục và chi phí còn lớn hơn trước...
Theo bà Thảo, dù nhiều bộ ngành thực hiện cải cách mạnh nhưng thứ hạng không thay đổi, thậm chí tụt hạng là do thời điểm kết thúc điều tra đánh giá của WB là ngày 31/5/2015 nên một số cải cách chưa được ghi nhận, chưa kể chính sách có thể tốt nhưng triển khai thực tế lại có vấn đề, vẫn còn khoảng cách.
“Không chỉ VN mà các nước khác cũng cải cách, thậm chí cải cách mạnh hơn nên thứ hạng của VN không cải thiện nhiều”, bà Thảo nói.
Cùng ngày, trao đổi với báo chí về sự chênh nhau giữa con số do Bộ Tài chính công bố và khảo sát của WB, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng các chính sách cải cách thủ tục của ngành thuế chủ yếu được triển khai từ đầu năm 2015 đến nay, chưa kể độ trễ nhất định giữa chính sách và triển khai thực tế, trong khi số liệu được WB khảo sát chủ yếu trong năm 2014.
Tuy nhiên, ông Nam khẳng định ngành thuế sẽ tiếp tục mở rộng việc khai thuế, nộp thuế điện tử không chỉ cho doanh nghiệp mà cả những cá nhân cho thuê nhà hay khai nộp thuế trước bạ, đồng thời tập trung xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức thuế.
Ngành thuế có lực lượng chuyên nghiệp chống chuyển giá
Ngày 28/10, tại lễ công bố thành lập phòng thanh tra giá chuyển nhượng, ông Bùi Văn Nam, tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết các hành vi gian lận thuế của một số doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, rất đa dạng, tinh vi và phức tạp, nhất là hành vi gian lận thuế qua chuyển giá.
Các hành vi này đã làm giảm số thu về thuế, gây thất thu cho ngân sách, đồng thời khiến môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Qua các vụ thanh tra chuyển giá thời gian qua giúp giảm lỗ bình quân khoảng 300 tỷ đồng/vụ, truy thu tiền thuế là 20 tỷ đồng/vụ.
Điển hình là vụ thanh tra Công ty Hualon VN (Đồng Nai), cơ quan thuế thanh tra giúp giảm lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, truy thu 78 tỷ đồng.
Do đó, theo ông Nam, ngành thuế nhận thấy cần có một đơn vị chuyên trách, độc lập để tiếp tục triển khai toàn bộ các nội dung liên quan đến quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, đồng thời xây dựng biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá...
Ngoài phòng thanh tra giá chuyển nhượng thuộc thanh tra Tổng cục Thuế, tại bốn cục thuế: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai cũng có bộ phận này.
Các đơn vị này sẽ xây dựng quy trình thanh tra chuyển giá, thu thập xử lý thông tin từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết... Đến nay thanh tra thuế đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu cho một số ngành nghề có rủi ro cao như dệt may và da giày.