Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện doanh nghiệp chây ì thuế của Việt Nam lên báo Tây

Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về nợ công, huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, và khắc phục tình trạng chây ì thuế.

Hãng tin Bloomberg nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về nợ công, huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và khắc phục tình trạng chây ì thuế của 1 số doanh nghiệp.

Bloomberg đưa tin, Bộ Tài chính vừa “bêu” tên 600 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn trên 121 ngày, tính đến ngày 21/7. Cơ quan thuế tuyên bố sẽ đóng băng tài khoản ngân hàng của các công ty nợ thuế để khấu trừ dần các khoản thuế nợ đọng trong thời gian qua.

Tích cực thu hồi thuế để trang trải nợ công

Fred Burke, quản lý cao cấp của Baker & McKenzie Vietnam tại TP HCM cho biết, cơ quan thuế đang tích cực thu hồi nợ để trang trải nợ công. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án hạ tầng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản Hà Nội nợ thuế. (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều doanh nghiệp bất động sản Hà Nội nợ thuế.

Bloomberg trích dẫn nguồn tin trên Báo Giao thông cho rằng, có 65 doanh nghiệp tại Hà Nội đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế quá hạn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải mạnh tay hơn để tránh thất thu thuế, tạo thêm nguồn vốn cho các dự án hạ tầng.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho hay, nếu Việt Nam cứ tiếp tục vay nợ để đầu tư vào hạ tầng, thì gánh nặng nợ công sẽ đè nặng lên ngân sách nhà nước và quy trách nhiệm trả nợ cho thế hệ tương lai.

Theo Bloomberg, tổng số nợ đọng thuế mà Bộ Tài chính vừa thông báo lên tới 12.700 tỷ đồng (tương đương 582 triệu USD).

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, nhận định, việc công khai tên các doanh nghiệp chây ì thuế giúp cho hệ thống tài chính Việt Nam minh bạch hơn.

Trong số các doanh nghiệp bị bêu tên trong danh sách nợ thuế có những “ông lớn” bất động sản và xây dựng như Tổng công ty Sông Đà-Thăng Long (nợ 375,2 tỷ đồng), Tổng công ty Viglacera (nợ hơn 88,4 tỷ đồng), Tập đoàn Bitexco (nợ 22,8 tỷ đồng).

Yếu kém trong khâu quản lý

Fred Burke cho rằng, một số doanh nghiệp Việt Nam cố tình trốn thuế, hoặc trì hoãn nộp thuế càng lâu càng tốt. Nguyên nhân của tình trạng này, theo vị chuyên gia này, một phần là do cơ chế chính sách và bộ máy vận hành khác nhau giữa các tỉnh thành.

Bloomberg cho biết, một số tổ chức dự báo nợ công của Việt Nam có thể lên tới con số 64% GDP vào cuối năm nay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây cũng cảnh báo về áp lực trả nợ công của Việt Nam.

Hãng tin này trích lời một quan chức của ngành thuế, cho rằng việc Việt Nam công bố danh sách các doanh nghiệp chây ì thuế nhằm tăng cường tính minh bạch và thực thi nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp.

Bloomberg cũng dẫn lời Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, khẳng định: Việc bêu tên doanh nghiệp nợ thuế giúp thanh lọc hệ thống vận hành của doanh nghiệp.

“Có thể điều này khiến một số doanh nghiệp phải phá sản, nhưng nó là động thái tích cực thực sự cần thiết cho tổng thể nền kinh tế,” ông Cung nói.

Mỗi người dân gánh 25 triệu nợ công: Lấy Hy Lạp làm bài học

Việt Nam cần lấy Hy Lạp làm bài học khi mà mỗi người dân đang phải gánh trên 1.200 USD nợ công (khoảng 25 triệu đồng), tương đương hơn nửa năm thu nhập, theo số liệu từ World Bank.

http://vov.vn/kinh-te/chuyen-doanh-nghiep-chay-i-thue-cua-viet-nam-len-bao-tay-416855.vov

Theo Trần Ngọc/VOV News

Bạn có thể quan tâm