Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã ký hiệp định nhằm thiết lập khuôn khổ cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU.
Lễ ký kết diễn ra hôm 17/10 tại Brussels, Bỉ, sau hai tháng kể từ chuyến thăm hồi tháng 8 của bà Mogherini tại Hà Nội, theo thông cáo của phái đoàn EU tại Việt Nam.
"Hiệp định khung này tạo ra nền tảng pháp lý nhằm quản lý và tạo thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự do EU lãnh đạo", thông cáo cho biết.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng bà Federica Mogherini ký hiệp định. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân. |
Các nội dung được Bộ Quốc phòng Việt Nam lựa chọn để hợp tác với EU bao gồm: thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại EU; đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh, theo TTXVN.
"Hiệp định đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và EU, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU", TTXVN bình luận.
Việt Nam đã trở thành quốc gia đối tác thứ hai tại châu Á, sau Hàn Quốc, và là nước đầu tiên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký một hiệp định như vậy với EU. Điều này cho thấy EU và Việt Nam đã cùng nhau cam kết xử lý những thách thức an ninh chung tại châu Á và các khu vực khác.
Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung (CSDP) đem lại cho EU năng lực vận hành nhằm triển khai cả các sứ mệnh dân sự và chiến dịch quân sự, trong khi đó các hiệp định khung về tham gia tạo ra một công cụ quan trọng để EU tăng cường sự tham gia của các đối tác của mình trong lĩnh vực này.
Theo phái đoàn EU tại Việt Nam, các sứ mệnh và chiến dịch CSDP là một công cụ đặc biệt trong bộ công cụ của EU, cho phép hành động trực tiếp nhằm quản lý xung đột hay khủng hoảng và tập trung vào các mục tiêu như cải cách pháp quyền, duy trì sự ổn định, chống lại tội phạm có tổ chức và cải cách lĩnh vực an ninh. Việc này được tiến hành theo đề nghị của quốc gia tiếp nhận hỗ trợ và luôn luôn có sự tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế.
Cho tới nay, EU đã triển khai 10 sứ mệnh dân sự và 6 chiến dịch quân sự và các hoạt động này có thể có cả sự đóng góp của các nước thứ ba thông qua việc hoàn tất các hiệp định khung về tham gia. Với sự bổ sung hiệp định ký với Việt Nam, EU hiện có hiệp định khung về tham gia với 19 quốc gia đối tác.