Buổi giới thiệu 2 cuốn sách "Tâm lý dân tộc An Nam" và "Hội kín xứ An Nam" nằm trong tủ sách Pháp ngữ đã đưa đến nhiều thông tin thú vị cho độc giả.
Buổi toạ đàm "Căn tính và đời sống xã hội Việt Nam qua lăng kính người Pháp đầu thế kỷ XX” có sự tham gia của 2 dịch giả Nguyễn Thanh Xuân và Phan Tín Dụng.
Hội kín xứ An Nam là tác phẩm nghiên cứu kinh điển về hội kín ở xứ An Nam, cùng với nhiều câu chuyện, sự kiện, tình tiết bí mật thường không được nhắc trong sách sử chính thống.
Sách bắt đầu từ sự bất ngờ và ngỡ ngàng của người Pháp về chuỗi sự kiện mưu loạn bạo động diễn ra ở khắp 3 kỳ vương quốc An Nam kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến trước năm 1930. Đào sâu nghiên cứu, tác giả Georges Coulet nhận ra đây không thể là ngẫu nhiên, là sự bột phát của đám đông quần chúng mà phải có sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Từ đây, ông tìm kiếm để bóc tách, tìm hiểu về các hội kín.
|
2 cuốn sách được nhiều độc giả đón chờ. |
Bắt đầu từ việc tìm hiểu văn bản luật qua các bộ luật xưa cũ phong kiến, ông nhận ra ngay cả các triều đình phong kiến cũng “đụng độ” các hội kín. Sự cẩn trọng tỉ mỉ được các nhà lập pháp dựng lên để chống lại các hội kín chứng tỏ rằng những hội như vậy luôn tồn tại ở An Nam.
Theo lời tác giả, “Công trình này sẽ cố gắng chứng minh bằng cách phân tích các yếu tố phép thuật, tín ngưỡng và đời thường được tìm thấy trong tất cả các hội kín An Nam, rằng hội kín của người An Nam là một hiện tượng xã hội, chính xác trong bản chất và được định rõ qua những biểu hiện. Tất cả hội kín trên đất An Nam đều bao hàm yếu tố: Phép thuật qua các biểu tượng, tín ngưỡng qua các nghi lễ và điều lệ, đời thường bởi tổ chức thực tế. Sự kết hợp mật thiết của ba yếu tố trên tạo nên một tổng thể hài hòa và một ‘thực thể xã hội’ mạnh mẽ sống động”.
Đặc biệt, trong tác phẩm của mình, Coulet không chỉ khảo cứu về các hội kín theo kiểu Thiên Địa hội ở An Nam mà còn đề cập đến nhiều tổ chức bí mật khác. Riêng về phong trào hội kín ở An Nam, Coulet đã tỏ ra rất công phu trong việc biên soạn. Tuy nhiên, tài liệu của Coulet cũng có một số hạn chế.
Dường như Coulet quá nhấn mạnh yếu tố tôn giáo, thần bí trong các hội kín mà chưa đánh giá đúng mức khía cạnh dân tộc của phong trào. Xét ở giá trị sử liệu, tác phẩm đã cung cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý về cách tổ chức, lề lối hoạt động, thành phần tham gia… của các hội kín trên vùng đất này.
Các tác giả sau khi nghiên cứu về hội kín ở An Nam đều trích dẫn tác phẩm của Coulet. Có thể nói, đây là nguồn tư liệu có giá trị tham khảo cao, rất hữu ích đối với người nghiên cứu và bạn đọc. Đây cũng là một cuốn sách nằm trong loạt đề tài sách nghiên cứu của nhiều học giả Pháp và châu Âu về hội kín Á đông. Tác phẩm cũng được nhiều nhà nghiên cứu khác tham khảo để làm tư liệu cho sách viết về văn hoá, tâm lý, tập tục Việt Nam.
|
Dịch giả Phan Tín Dụng và dịch giả Nguyễn Thanh Xuân trong buổi ra mắt sách. |
Để hiểu được những sự kiện gây tranh luận trong xã hội Việt Nam hiện tại, độc giả có thể tìm thấy câu trả lời ít nhiều trong Tâm lý dân tộc An Nam, dù cho tác phẩm đã được viết ra từ thế kỷ trước.
Công trình nghiên cứu Tâm lý dân tộc An Nam được Paul Giran - một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, xuất bản vào năm 1904 sau hơn ba năm thu thập và tích lũy quan sát ở Đông Dương, để phục vụ công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam.
Theo Paul Giran, 2 nguyên nhân chính đã góp phần vào sự hình thành bản sắc dân tộc An Nam là chủng tộc và môi trường, đó cũng là đối tượng mà công trình này tập trung khảo sát. Để hiểu thấu đáo “tâm hồn và thần minh” của người An Nam, Paul Giran, cũng như nhiều đồng nghiệp của ông, đã thâm nhập và sinh sống để học ngôn ngữ và hiểu người bản xứ. Qua đó, khắc họa nên đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí thông minh, xã hội và chính trị An Nam.
Một thế kỷ với rất nhiều sự kiện, trở thành một quãng độ thích hợp cho sự nhìn nhận của người Việt Nam hiện đại về quá khứ của chính dân tộc mình, để cố gắng hiểu hơn về ông cha mình và những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Sự thấu hiểu có được không chỉ thông qua tài liệu của người Việt mà còn qua “lăng kính” nhìn nhận của người Pháp đương thời, mà dù muốn hay không, đã gắn kết, trên một số phương diện, vào số phận Việt Nam thế kỷ 20.