Vào 6/12, thầy trò HLV Park Hang-Seo sẽ được đá trận lượt về trên sân nhà Mỹ Đình trong bối cảnh AFF Cup 2018 áp dụng luật bàn thắng trên sân khách. Trước đó, đội tuyển Việt Nam sẽ chơi trên sân của “Azkals” vào ngày 2/12 tới đây.
Kể từ năm 2010, theo luật của AFF Cup, nếu tổng tỷ số sau hai lượt trận bán kết bằng nhau, luật bàn thắng trên sân khách được áp dụng, nghĩa là đội ghi nhiều bàn thắng trên sân khách hơn sẽ giành quyền đi tiếp.
Đó có lẽ là lý do khiến nhiều người tin rằng một tỷ số an toàn 0-0 trên sân của Philippines cũng vừa đủ cho đội tuyển Việt Nam, vì sau đó có thể tự giải quyết đối thủ trong trận lượt về tại Mỹ Đình.
Tuyển Việt Nam đang có ngôi sao tấn công Quang Hải chơi rất hay. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trong bối cảnh Việt Nam có hàng phòng ngự được đánh giá tốt nhất giải khi chưa một lần để thủng lưới, rời Bacolod với kết quả hòa không bàn thắng chẳng phải nhiệm vụ quá tầm. Tuy nhiên, nếu cứ chăm chăm trông vào kết quả 0-0 trên đất Philippines, rất có thể đội tuyển Việt Nam phải ôm hận.
Bóng đá thế giới từng chứng kiến rất nhiều sự nghiệt ngã xuất hiện bởi luật bàn thắng sân khách. Manchester United mùa 2009-2010 chơi tuyệt hay trên sân Old Trafford khi thắng 3-2 trước Bayern Munich ở trận tứ kết lượt về Champions League, nhưng sau cùng vẫn bị loại cay đắng.
Tổng tỷ số sau hai lượt là 4-4, song “Hùm xám” đi tiếp nhờ có nhiều bàn thắng trên sân khách hơn. Một ví dụ khác, tứ kết Champions League mùa 2013-14, PSG thắng Chelsea 3-1 ở sân Công viên các Hoàng tử. Trận lượt về tại Stamford Bridge, họ thua 0-2 và lập tức bị loại, dù tổng tỷ số là 3-3.
Trường hợp của MU và PSG chỉ là một trong số rất nhiều đội bóng bị loại ấm ức tại Champions League vì luật bàn thắng sân khách. Khi số đội kêu ca vì luật bàn thắng sân khách tăng vọt theo thời gian, điều này làm Phó tổng thư ký UEFA Giorgio Marchetti phải đắn đo.
"UEFA sẽ xem xét nghiêm túc lại luật bàn thắng trên sân khách, vì nhiều HLV cho rằng điều luật này càng ngày càng bất công", ông Marchetti nói.
Arjen Robben, tác giả bàn thắng quan trọng rút ngắn tỷ số xuống 2-3 cho Bayern trong trận thua MU ở tứ kết lượt về Champions League trên sân Old Trafford. Ảnh: Getty Images. |
Luật bàn thắng sân khách có tác dụng khuyến khích đội khách chơi tấn công để tìm bàn thắng. Bởi trước khi luật được ban hành, các đội thi đấu xa nhà thường tử thủ để cầm hòa 0-0.
Nhưng các HLV hiện đại như Jose Mourinho, Arsene Wenger hay Max Allegri, Unai Emery, Carlo Ancelotti và Thomas Tuchel tin điều đó cũng khiến các đội chủ nhà co cụm phòng ngự để không bị thủng lưới. Thế là luật này sinh ra nhiều bất công.
HLV Jose Mourinho, người đặc trưng cho trường phái phòng ngự và đặt sự an toàn lên hàng đầu ở cúp châu Âu, trong bài phát biểu hồi đầu năm 2018 từng mô tả kết quả 0-0 chẳng phải tỷ số có lợi cho các đội bóng thi đấu trên sân khách. Ông thầy người Bồ Đào Nha đã có lý.
Sau trận hòa 0-0 trên sân Sevilla ở vòng 1/8 của Champions League, MU đã rơi vào thế trận bất lợi và để thua 1-2 trong trận lượt về trên sân Old Trafford. Trước đó, giới chuyên môn đánh giá “Quỷ đỏ” chỉ cần một chiến thắng với bất kỳ tỷ số nào sẽ đi tiếp.
Jose Mourinho từng nhiều lần thất bại ở cúp châu Âu vì luật bàn thắng sân khách. |
Trong sự nghiệp của mình, “Người đặc biệt” cũng chỉ một lần đi tiếp ở các vòng knock-out Champions League trong 5 lần đội bóng của ông cầm hòa được đối thủ 0-0 trên sân khách. Những dẫn chứng đó cho thấy việc giữ sạch lưới trên sân khách là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.
Từ tiếng nói của lịch sử, đó như thông điệp gửi đến đội tuyển Việt Nam. Các học trò của HLV Park Hang-Seo phải biết tấn công để có thể tạo lợi thế trước trận lượt về trên sân Mỹ Đình. Tiên hạ thủ vi cường, ấy là thượng sách.
Chúng ta đang có những cầu thủ tấn công tuyệt vời, và không lý do gì phải chơi phòng ngự trước Philippines cả.
Đặt trường hợp Philippines hòa Việt Nam 0-0 tại Bacolod, thầy trò Sven-Göran Eriksson chưa chắc đã gặp bất lợi. Khi đá ở Mỹ Đình, nếu đội tuyển Philippines ghi được một bàn, điều này sẽ buộc Việt Nam phải ghi hai bàn. Ngoài ra, bất kỳ kết quả hòa có bàn thắng nào cũng giúp "Azkals" đi tiếp.