“Hãy hình dung một bé gái mới 12 tuổi. Em rất thích tới trường. Cô giáo nói em rất có khiếu học môn Toán. Rồi một ngày nọ, khi em thức dậy, cha mẹ bảo em hãy mặc bộ trang phục đẹp nhất. Trong vòng vài tiếng đồng hồ nữa, em sẽ phải cưới một người hàng xóm gấp ít nhất ba lần tuổi em. Em sẽ không bao giờ được đi học nữa”.
Đó là một phần báo cáo về dân số thế giới 2020 với chủ đề “Trái với ý muốn của tôi – Xóa bỏ những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái và gia tăng bất bình đẳng” được công bố tại Ngôi nhà Xanh Liên Hợp Quốc ở Hà Nội sáng 17/7.
Năm 2020, trên toàn thế giới, khoảng 4,1 triệu phụ nữ sẽ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục. Mỗi ngày, có 33.000 trường hợp tảo hôn dù đã bị cấm.
“Hãy hình dung tiếp về một cô bé khác. Cô bé này mới 16 tuổi. Cũng vào một ngày nọ, cô bé phát hiện mình chuẩn bị trải qua một nghi thức. Vài tiếng sau, bộ phận sinh dục của cô bị cắt bỏ bởi một người phụ nữ đã làm điều này với tất cả các cô bé khác trong làng”.
Báo cáo của UNFPA chỉ ra rằng có ít nhất 19 thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những thực hành này bị cả thế giới lên án là hành vi xâm hại và vi phạm quyền con người.
Năm 2020, trên toàn thế giới, khoảng 4,1 triệu phụ nữ sẽ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục. Mỗi ngày, có 33.000 trường hợp tảo hôn dù đã bị cấm. Ước tính khoảng 650 triệu phụ nữ tảo hôn. Tổn thất và hậu quả để lại đối với họ là vô cùng to lớn.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam, phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Hạnh Vũ. |
“Ở Việt Nam, chúng tôi đặc biệt tập trung tới 2 thực hành có hại là lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tư tưởng ưa thích con trai”, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, nói với Zing sau buổi lễ.
Tư tưởng thích con trai hơn con gái
Dù có nhiều tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới trong thập kỷ qua, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tư tưởng thích con trai hơn con gái vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam.
Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004. Và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên là 105 bé trai trên 100 bé gái.
Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Sự ưa thích con trai là tâm thức lâu đời bắt nguồn từ Nho giáo và chế độ gia trưởng ở Việt Nam trong hàng nghìn năm qua. Nó định hình và ảnh hưởng đến các vấn đề dân số và giới trong gia đình và xã hội Việt Nam.
Bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia Quốc gia về Bình đẳng giới và Lựa chọn Giới tính thiên lệch về giới, chỉ ra 3 căn nguyên chính: “Đó là, truyền thống tổ chức gia đình phụ hệ, trong đó đề cao vai trò của con trai. Mô hình sinh sống bên nội, con gái lấy chồng ở nhà chồng. Và tục lệ thờ cúng tổ tiên, con trai nối dõi gia đình”.
Bà Hồng dẫn một nghiên cứu cho biết 60% nam giới Việt Nam đặt ra tiêu chí có con trai mới là người đàn ông thành đạt, đích thực.
Định kiến nặng nề ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam
Lựa chọn giới tính thai nhi dựa trên cơ sở bất bình đẳng giới đã tồn tại ở châu Á trong nhiều thập kỷ. Đây không phải là một vấn đề mới ở Ấn Độ hay Trung Quốc. Riêng ở Việt Nam, hiện tượng này bắt đầu trở nên phổ biến từ đầu những năm 2000.
Hàng năm có khoảng 1,2 triệu trẻ em gái bị thiếu hụt do việc lựa chọn giới tính thai nhi, trong đó 90% là ở Trung Quốc (666.300), Ấn Độ (461.500) và Việt Nam (40.800).
“Chúng tôi nhận thấy rằng việc lựa chọn giới tính khi sinh và tâm lý ưa thích con trai ở với miền Bắc Việt Nam giống với miền nam Trung Quốc”, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam, bà Kitahara, nói với Zing.
Các đại biểu thảo luận với khách mời về chủ đề Lựa chọn giới tính thiên lệch về giới và thực trạng tại Việt Nam. Ảnh: Hạnh Vũ. |
Tại miền Bắc, tỷ lệ giới tính khi sinh cao nhất cả nước – 117, 2 ở thành thị và 113,2 ở nông thôn. Ba tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh đáng báo động (trên 125) là Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên, theo báo cáo “Vượt qua áp lực xã hội phải sinh con trai trong các gia đình ở miền Bắc Việt Nam” của UNFPA năm 2019.
Ông Jan Wilhelm Grythe, quyền Đại biện lâm thời Đại sứ quán Na Uy, nói trong buổi lễ: “Các thách thức các quốc gia gặp phải có nhiều tương đồng giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Thách thức chủ yếu vấn là vấn đề văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, kinh tế. Họ đa phần thích con trai hơn con gái”.
Bà Kitahara chia sẻ: “Ở nước tôi, Nhật Bản, chúng tôi cũng chia sẻ các giá trị khá tương đồng với Việt Nam như Nho giáo. Khi còn là thiếu niên, tôi được học hành bình đẳng như các bạn nam nhưng tôi tự hỏi lớn lên tôi có được tham gia lao động như họ không. Tôi rất lo lắng về vấn đề này và vì thế đã rời khỏi Nhật Bản”.
“Xã hội Nhật Bản rất bảo thủ nhưng đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Chẳng hạn, định kiến giới và tâm lý ưu tiên nam hơn nữ đang có cải thiện”, trưởng đại diện UNFPA Việt Nam nói.
Chia sẻ với Zing về giải pháp, bà Kitahara cho biết: “Điều rất may mắn là hiện nay Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong xử lý những vấn đề vừa nêu như ban hành Pháp lệnh Dân số 2003, Luật Bình đẳng giới 2006. Hai văn bản pháp luật cấm lựa chọn giới tính, hỗ trợ nhiều cho phụ nữ như cho phép thừa kế tài sản gia đình".
“Chúng ta phải đóng góp, chung tay cho một xã hội công bằng cho tất cả”, bà Kitahara nhấn mạnh.