Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được thực hiện trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64, sinh sống tại 63 tỉnh và thành phố của Việt Nam.
Báo cáo chỉ ra rằng gần 63% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo hành, bao gồm bạo hành về thể xác, tình dục, tâm lý và kinh tế. Cũng theo báo cáo này, 31,6% phụ nữ đang là nạn nhân bị bạo hành trong 12 tháng gần đây.
Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ các loại hình bạo lực khác đối với phụ nữ do chồng gây ra trong năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, có 26,1% phụ nữ bị từng bị chồng bạo lực thể xác trong năm 2019, so với số liệu 31,5% vào năm 2010.
Báo cáo cũng cho thấy phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị bạo hành cao hơn phụ nữ không bị khuyết tật. 4,4% phụ nữ ở Việt Nam cho biết họ bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 trong khi số liệu này ở sau tuổi 15 là 9%.
Điều tra được thực hiện bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Báo cáo được công bố ngày 14/7.
Hội thảo công bố báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Ảnh: ĐSQ Australia. |
Vì định kiến, bạo lực bị che giấu
Sau báo cáo đầu tiên vào năm 2010, báo cáo lần này giúp Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện 2 lần điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ. Đáng chú ý, Việt Nam cũng ứng dụng phương pháp điều tra đa quốc gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Hà, cho biết: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong 3 chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi mà UNFPA cam kết đạt được trên toàn cầu. Ở Việt Nam, UNFPA đã đồng hành với chính phủ và các cơ quan liên quan trong hơn một thập kỷ để chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ”.
Bà Nguyễn Thị Hà cho biết phụ nữ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bạo hành cao. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội.
Thực trạng này cũng được phản ánh trong số liệu của cuộc điều tra quốc gia. Trong đó, một nửa phụ nữ bị chồng bạo hành chưa từng chia sẻ với ai, hầu hết phụ nữ (90,4%) không tìm kiếm sự trợ giúp sau khi chịu bạo hành về thể xác hoặc tình dục.
“Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và văn hoá đổ lỗi là những rào cản khiến người bị bạo hành không dám lên tiếng để tìm kiếm sự giúp đỡ”, bà Nguyễn Thị Hà nhận định. “Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi lớn lên trong môi trường bạo lực”.
Báo cáo cho rằng bạo lực là hành vi có tính tiếp thu. Trên thực tế, nhiều người chồng vũ phu từng bị bạo hành khi còn nhỏ hoặc có mẹ là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Theo cuộc điều tra quốc gia, con cái của 61,4% phụ nữ bị chồng bạo hành từng phải chứng kiến hoặc nghe thấy nạn bạo hành. Báo cáo cho rằng những đứa trẻ này (5-12 tuổi) thường gặp vấn đề về hành vi.
Bà Nguyễn Thị Hà cho biết sau hơn 10 năm thực thi luật bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đã từng bước được cải thiện: “Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi. Họ không cam chịu và sẵn sàng đấu tranh với bạo lực”.
Việt Nam có thể 'hụt' mục tiêu phát triển bền vững
Quá trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của phụ nữ và trẻ em. Đại sứ Australia tại Việt Nam, Robyn Mudie, cho rằng cuộc điều tra đã xác định thực trạng của nạn bạo lực đối với phụ nữ.
“Mỗi số liệu trong báo cáo đều phản ánh trải nghiệm của phụ nữ khi ở nhà, ở nơi làm việc hay ở nơi công cộng. Báo cáo cho thấy chúng ta lắng nghe, tin tưởng và cần hành động để giúp đỡ những người phụ nữ bị bạo hành”, bà Mudie chia sẻ.
Trưởng Đại diện UNFPA ở Việt Nam, bà Naomi Kitahara. Ảnh: UNFPA. |
“Chúng ta đã có bằng chứng mới nhất về nạn bạo hành phụ nữ ở Việt Nam và tôi kêu gọi mọi người cùng chung tay nỗ lực để chấm dứt tình trạng này”, Trưởng Đại diện UNFPA ở Việt Nam, bà Naomi Kitahara, phát biểu.
Bà Kitahara cũng nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết được vấn đề này, Việt Nam sẽ không đạt được Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 và không đảm bảo được rằng không ai bị bỏ lại phía sau”.