Các nhà mạng Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm thương mại công nghệ 5G, với mục tiêu chính thức khai thác trong năm 2021. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu lớn nhất của 5G là vùng phủ sóng sẽ bị hạn chế kể cả sau khi đã thương mại hóa.
Lý do của sự hạn chế này là công nghệ 5G đang khai thác ở Việt Nam đang sử dụng tần số 2.600 MHz, có ưu điểm về băng thông nhưng nhược điểm về khoảng cách truyền dẫn. Để cải thiện vùng phủ sóng nhất thiết phải sử dụng những băng tần thấp hơn như băng tần 700 Mhz.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc số hóa truyền hình còn giúp tiết kiệm nhiều chi phí cho phủ sóng 5G toàn quốc. Ảnh: MS. |
Đó là lý do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đánh giá việc số hóa truyền hình, tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất sẽ mở ra "băng tần vàng" cho 5G.
"Việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc đã giải phóng 112 MHz trên băng tần 700 MHz, là băng tần 'vàng' để phủ sóng 5G toàn quốc", Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong buổi công bố hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
Ngoài mục tiêu giúp người dân được xem nhiều kênh truyền hình miễn phí, với nội dung đa dạng và chất lượng tốt hơn hẳn, việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự còn có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ USD để phủ sóng 5G trên toàn quốc.
Theo chia sẻ của đại diện Bộ TT&TT, băng tần 700 MHz có bán kính phủ sóng lớn gấp 3 lần băng tần 2.600 MHz. Nếu xét tới số lượng trạm phát sóng thì sử dụng băng tầng 2.600 MHz cần gấp 9 lần số trạm so với 700 MHz.
"Nếu mang băng tần 2.600 MHz để phủ sóng 5G, so với băng tần 700 MHz thì cần phải gấp 9 lần về số trạm. Việc đầu tư mạng phủ sóng tốt trên toàn quốc có thể tốn khoảng 2 tỷ USD. Như vậy, nếu gấp 9 lần thì lên tới 18 tỷ USD, chênh rất nhiều.
Nếu không có băng tần thấp như 700 MHz thì không có cơ hội nào để phủ sóng 5G ra toàn quốc", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích.
Đây là một trong 4 mục tiêu lớn của đề án, bên cạnh những mục tiêu như mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, thu hút nguồn lực xã hội và tổ chức, sắp xếp các đài phát thanh, truyền hình địa phương theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tập trung vào sản xuất nội dung và thuê dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, khi bắt đầu thực hiện đề án vào năm 2011, có tới 90% số hộ gia đình có máy thu hình, nhưng 90% trong số đó chưa xem được truyền hình số. Đến năm 2020, số liệu thống kê cho thấy 16 triệu hộ gia đình đã xem truyền hình số qua các phương thức cáp, IPTV và trên 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh miễn phí.
Việt Nam đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự từ 0h ngày 28/12/2020. Ảnh: MS. |
Trong giai đoạn số hoá truyền hình mặt đất, Việt Nam đã thực hiện chính sách bắt buộc từ năm 2014 máy thu hình phải tích hợp chức năng thu số DVB-T2. Một số doanh nghiệp trong nước cũng đã đầu tư cho sản xuất, lắp ráp đầu thu số (set-top-box). Nhờ vậy mà thị trường thiết bị thu xem truyền hình sẵn sàng cho chuyển sang kỹ thuật số và giá cả ngày càng rẻ.
Việt Nam là nước thứ 5/10 ở khu vực ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình, trong khi có nhiều điểm khó khăn hơn các quốc gia khác như dân số hay địa hình phức tạp. Xét trên toàn thế giới, Việt Nam là nước thứ 78/193 hoàn thành mục tiêu.
Đại diện Bộ TT&TT cho rằng việc đưa ra lộ trình cụ thể, sử dụng đúng công nghệ tiên tiến (DVB-T2), sử dụng quỹ dịch vụ viễn thông công ích và đẩy mạnh truyền thông giúp hoàn thành mục tiêu đúng hẹn.
Từ 0h ngày 28/12/2020, Việt Nam đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất.