Việt Nam đang xây dựng “Đề án tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái Đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao bằng công nghệ cảm biến quang học, radar, kết hợp với thiết bị bay không người lái”.
Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Đại sứ quán Nhật Bản và Bộ Kinh tế, Khoa học & Công nghệ Nhật Bản (METI) đã hỗ trợ Việt Nam phát triển đề án này bằng việc thành lập một nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đề xuất lộ trình cho việc ứng dụng chùm vệ tinh nhỏ và phát triển công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt/VietNamNet. |
Thành viên của tổ nghiên cứu này bao gồm nhiều doanh nghiệp, tổ chức uy tín trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ tại Nhật Bản như Diễn đàn Không gian Nhật Bản (JSF), Hệ thống Vũ trụ Nhật Bản (Japan Space Systems), Viện nghiên cứu Mitsubishi (Mitsubishi Research Institute), Padeco và Hiệp hội Tu nghiệp Kỹ thuật Hải ngoại Nhật Bản (AOTS).
Nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu là tạo lộ trình cho việc ứng dụng chùm vệ tinh nhỏ và các công nghệ khác ở Việt Nam, khảo sát khả năng tận dụng hiệu quả dữ liệu vệ tinh và ứng dụng tích hợp các vệ tinh sẵn có.
Chùm vệ tinh sẽ giúp ích gì cho Việt Nam?
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, trong nửa sau những năm 2010, số lượng các công ty phóng chùm vệ tinh đã tăng lên trông thấy. Lợi thế của chùm vệ tinh là thời gian thăm lại ngắn hơn, chi phí phóng thấp hơn do vệ tinh có kích thước nhỏ.
Việt Nam đang xây dựng Đề án tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao. |
Các chuyên gia cho rằng, chùm vệ tinh có thể giúp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong nông nghiệp, các dữ liệu từ vệ tinh sẽ hỗ trợ việc quản lý hoa màu, tạo sản phẩm đồng đều và giảm chi phí canh tác.
“Dữ liệu từ vệ tinh có thể giúp quan sát sự phát triển không đồng nhất trên cánh đồng. Dựa trên các dữ liệu này, UAV sẽ tiến hành bón phân, tưới nước hay phun thuốc”, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Bên cạnh đó, dữ liệu thu được từ chùm vệ tinh còn giúp ích cho việc dự đoán, cảnh báo, ước tính rủi ro gây ra bởi thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, từ đó hỗ trợ việc ra quyết định.
Dữ liệu ảnh vệ tinh giúp mang tới nhiều thông tin khác nhau, phục vụ cơ quan chức năng trong việc hoạch định chiến lược, dự đoán, cảnh báo thiên tai cũng như hỗ trợ việc ra quyết định. |
Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, chùm vệ tinh có thể phát hiện tàu biển từ nước ngoài hoạt động trái phép tại mọi thời điểm. Vệ tinh cũng sẽ giúp phát hiện các cấu trúc nhân tạo do nước ngoài xây dựng trong vùng lãnh hải quốc gia.
Với vấn đề môi trường, dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh sẽ giúp phát hiện vị trí và mức độ tràn dầu trên mặt biển, theo dõi và đưa ra cảnh báo sớm về chất lượng nước.
Các phương tiện và cấu trúc nhân tạo trên biển dưới góc nhìn vệ tinh. |
Trước những tiềm năng ứng dụng của chùm vệ tinh, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cho Việt Nam một lộ trình với 3 phương án để phát triển Đề án. Điểm chung của lộ trình này là việc duy trình sử dụng và vận hành cơ sở vật chất từ dự án LOTUSat và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Chuyên gia Nhật đề xuất nên phát triển tiếp dòng vệ tinh MicroDragon. Việt Nam cũng nên sở hữu một hoặc 2 vệ tinh cho IoT và AIS/VDES thế hệ mới và phát triển vệ tinh thử nghiệm GNSS cỡ nhỏ.
Theo đuổi công nghiệp vũ trụ bằng hàng Make in Việt Nam
Khảo sát của METI cho thấy, Việt Nam có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp vũ trụ tại một số ngành như chế tạo lắp ráp bảng mạch in, sản xuất cáp điện, xử lý vật liệu kim loại, chế tạo thiết bị IoT, phát triển phần mềm nhúng.
Khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không tự tin về năng lực sản xuất sản phẩm phục vụ cho công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên, họ có nhiều động lực tham gia vào thị trường này bởi những tiềm năng nhờ việc cải tiến công nghệ, nâng cao thương hiệu và mở rộng tệp khách hàng.
Các thách thức mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi tham gia vào công nghiệp vũ trụ là việc thiếu thông tin về ngành, khả năng tài chính. Các chính sách thúc đẩy công nghiệp và các biện pháp hỗ trợ cũng chưa đến được với doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia Nhật, không chỉ những doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào ngành công nghiệp vũ trụ.
Các kỹ sư Việt Nam trong quá trình học tập và thực hành chế tạo vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản. |
“Điểm mấu chốt là việc chuẩn bị năng lực. Chính phủ cần xây dựng các dự án phát triển năng lực để giúp doanh nghiệp sẵn sàng và đủ sức tham gia vào ngành công nghiệp này”, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam nên có chính sách và lộ trình phát triển ngành công nghiệp vũ trụ rõ ràng, nhất là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việt Nam cũng nên khuyến khích các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực công nghiệp vũ trụ.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu: “Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc chế tạo khung vệ tinh và xử lý các linh kiện kim loại. Ở các bước tiếp theo, có thể thực hiện theo trình tự từ dây cáp điện, lắp ráp và tích hợp bảng mạch in, phần mềm nhúng và điện, điện tử”.
Bình luận