Là một trong những công ty lớn nhất tham dự triển lãm tại Singapore Airshow sắp tới, Airbus giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến nhất của công ty và cam kết hướng tới thị trường hàng không vũ trụ bền vững. Được tổ chức hai năm một lần, Singapore Airshow năm nay diễn ra từ ngày 15-18/2 tại Trung tâm Triển lãm Changi.
Máy bay A350-1000 tầm xa đóng vai trò trung tâm tại khu vực trưng bày bay. Đây là chiếc máy bay có thiết kế xuyên suốt trong danh mục máy bay thân rộng cỡ lớn của Airbus với công nghệ và thiết kế khí động học hiện đại, đồng thời mang lại sự thoải mái vượt trội cho hành khách.
Máy bay A350-1000 tầm xa của Airbus. Ảnh: Airbus. |
Tại khu khu vực trưng bày tĩnh, Airbus giới thiệu 4 máy bay theo cấu hình của khách hàng. Đối với máy bay chở khách, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng ở cự ly gần một chiếc A350-900 của Singapore Airlines, một chiếc A330neo của Cebu Pacific và một chiếc A220 của Korean Air. Đối với máy bay quân sự, một phi cơ A400M của Không quân Đức cũng được trưng bày.
Ngoài ra, tại khu vực trưng bày tĩnh của Không quân Singapore (RSAF), khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng một chiếc máy bay vận tải tiếp nhiên liệu đa năng A330 MRTT và một chiếc trực thăng đa năng H225M lần đầu tiên xuất hiện tại một triển lãm hàng không.
Khách tham quan có thể tìm hiểu thông tin về toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ của Airbus tại khu vực trưng bày của hãng. Các mô hình có kích thước lớn của máy bay A350-1000, A400M và trực thăng C295, H145 và H175, cũng như vệ tinh quan sát trái đất Pleiades Neo cũng được trưng bày.
Khu vực trưng bày của Airbus cũng có một khu dành riêng để giới thiệu tham vọng đi tiên phong của hãng trong ngành hàng không vũ trụ bền vững. Các mô hình của máy bay ZEROe chạy bằng nhiên liệu hydro thể hiện tham vọng của Airbus trong việc đưa máy bay không khí thải đầu tiên vào hoạt động vào năm 2035 được trưng bày.
Trong một tuần diễn ra triển lãm, Airbus tổ chức các họp báo liên quan đến các lĩnh vực máy bay thương mại, trực thăng, quốc phòng và hàng không vũ trụ.
Airbus cho biết hiện tại, dự án ZEROe đang trong giai đoạn hoàn thiện về công nghệ. Ngoài việc sử dụng hydro làm nguồn năng lượng, Airbus đang nghiên cứu tận dụng những tiến bộ trong vật liệu tổng hợp, sản xuất, khí động học và các công nghệ khác để tiến tới với thiết kế chi tiết của thế hệ máy bay ZEROe vào năm 2025.
Ngoài chiến lược công nghệ hàng không bền vững, Airbus cũng tham gia cùng với Arianespace, công ty phóng vệ tinh hàng đầu thế giới, trong dự án cung cấp kết nối Internet tốc độ cao thông qua vệ tinh OneWeb.
Theo trang Asianaviation, mới đây Arianespace thông báo họ đã thực hiện thành công chuyến bay thứ 13 cho OneWeb và lần phóng đầu tiên vào năm 2022 trên chuyến bay Soyuz Flight VS27 và đưa thêm 34 vệ tinh vào quỹ đạo. Trong năm 2022, Arianespace sẽ tiếp tục triển khai mạng vệ tinh của OneWeb, hiện bao gồm 428 vệ tinh trong quỹ đạo thấp của Trái đất.
Vệ tinh OneWeb sẽ cung cấp kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp cho nhiều lĩnh vực khách hàng, bao gồm hàng không, hàng hải, dịch vụ ứng cứu khẩn cấp, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chính phủ. Trọng tâm cao nhất của OneWeb là tìm cách mang kết nối đến những nơi cáp quang không thể tiếp cận, do đó sẽ là cầu nối thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.
Sau khi được triển khai, OneWeb sẽ hoạt động với các thiết bị đầu cuối của người dùng có khả năng cung cấp vùng phủ sóng 3G, LTE, 5G và Wi-Fi, cung cấp khả năng truy cập tốc độ cao trên toàn cầu bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ. Airbus tham gia vào dự án này thông qua OneWeb Satellites, một liên doanh của OneWeb và Airbus Defense and Space.
Theo OpenGov Asia, ngành công nghiệp vũ trụ quốc tế được dự báo sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD (1,3 nghìn tỷ đô la Singapore) vào năm 2040. Tại Singapore, lĩnh vực vũ trụ tiếp tục sôi động với hơn 50 công ty và 1.800 chuyên gia. Singapore đã phát triển những cải tiến mới nhất trong các phương tiện tự hành, máy bay không người lái.
Chính phủ Singapore cũng rất quan tâm đến việc nghiên cứu và theo dõi sát sao các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, an ninh mạng và đám mây trong công nghệ vũ trụ và quốc phòng.
Bình luận