Với sự sớm chấp nhận mạng di động 2G và sự thúc đẩy cạnh tranh, Việt Nam đã từng lọt vào Top 20 thế giới. Nhưng khi chuyển sang công nghệ 3G/4G, vì sự đi sau về công nghệ và thiếu yếu tố cạnh tranh mới mà viễn thông Việt Nam đang xếp hạng thứ 115/193 về mật độ thuê bao di động băng rộng, theo xếp hạng của ITU năm 2017, tức là mức dưới trung bình của thế giới.
"Công nghệ 5G đang tới, đây là cơ hội để Việt Nam chúng ta thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và TP.HCM. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo "Đổi mới sáng tạo Việt Nam". |
Theo Bộ trưởng, đây không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp viễn thông - CNTT của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.
"Chúng ta hãy coi Việt Nam là cái nôi để phát triển công nghệ và sản phẩm, để từ đây đi ra chinh phục thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống và xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như mỗi cá nhân, doanh nghiệp.
Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ban Kinh tế Trung ương đã được Bộ Chính trị giao chủ trì phối hợp với các ban, bộ ngành xây dựng Đề án quốc gia về: “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam” dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. |
"Nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật. Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21", ông Cao Đức Phát nhận định.
Những vấn đề trên cũng được khẳng định tại các bài phát biểu của các khách mời trong nước và quốc tế. Theo bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ, tập đoàn Qualcomm, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G, và đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiên để triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G, đồng thời khẳng định, Qualcomm luôn nỗ lực đồng hành và hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển hệ sinh thái 5G nói riêng và hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước nói chung.
Phiên thảo luận “Phát triển 5G và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước”. |
Trong tham luận của mình, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề cao vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới để đưa những sản phẩm tốt nhất, mới nhất ra thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể đứng vững khi đứng một mình.
Việc xây dựng định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên 5G cũng là một động lực quan trọng, góp phần phát triển phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Với góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav đã nói về đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị điện thoại di động, với nhận định tại Việt Nam, chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất để có thể thay thế các doanh nghiệp ngoại.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ những nhóm vấn đề chính “Phát triển 5G và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước”; “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vai trò của hệ sinh thái”. Các đại biểu cũng đã thảo luận về các vấn đề “Chính sách hỗ trợ ngành viễn thông hướng tới 5G” và “Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo thông qua các Quy định Thân thiện và Hệ sinh thái Hỗ trợ”.