Phóng viên Scott Heidler của Al Jazeera đang tường thuật từ một nhà máy sản xuất smartphone ở Việt Nam. |
Al Jazeera mở đầu phóng sự bằng câu hỏi: "Mọi người dường như đã quen thuộc với việc điện thoại và các thiết bị điện tử được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng Việt Nam thì sao?". Sau đó hãng thông tấn Qatar đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một sự thay thế cho Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh.
Đầu tiên là ví dụ về vùng đất trồng chè phía bắc Hà Nội nay chỉ còn là một vùng canh tác nhỏ. Vùng đất đó đã trở thành khu phức hợp sản xuất của Samsung với hàng triệu chiếc smartphone đang xuất xưởng mỗi năm. Hãng điện thoại lớn nhất thế giới năm ngoái đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào Việt Nam và còn tiếp tục mở rộng.
Nhưng bước tiến của Việt Nam nhằm trở thành đầu mối toàn cầu về điện thoại thông minh không chỉ dừng ở việc các công ty đa quốc gia khổng lồ đã chuyển tới đây. Một nhà sản xuất trong nước cũng đang gia nhập cuộc chơi, tự làm ra chiếc smartphone của riêng mình.
Bkav sẽ ra mắt sản phẩm Bphone của mình trong vài tháng tới. Bkav đánh giá việc Samsung đầu tư vào Việt Nam là có lợi cho hoạt động của mình, bởi việc các công ty hàng đầu tới Việt Nam cũng sẽ lôi kéo các đối tác sản xuất linh kiện tới. Điều đó giúp cho Bkav thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn linh kiện như các công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất smartphone, đồng thời giúp hạ giá thành sản xuất smartphone tại Việt Nam, từ đó kêu gọi thêm đầu tư nhiều hơn nữa.
Trong tương lai, giá bán điện thoại thông minh sẽ còn tiếp tục giảm. Điều đó tạo sức ép khiến các nhà sản xuất phải tìm kiếm địa điểm và các biện pháp đầu tư để hạ giá thành. Việt Nam đang nổi lên như một phương án đầu tư tốt cho các nhà sản xuất lớn. Ngoài Samsung thì LG, Microsoft cũng đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Và với những điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghệ cao phát triển, người dân Việt Nam sẽ ngày càng ít phải làm việc trên đồng ruộng hơn và nhiều người sẽ chuyển tới làm việc trong những nhà máy lớn.