Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam sắp tổ chức các hội nghị cấp cao khu vực Mekong

Từ ngày 24 đến 26/10, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Cấp cao ACMECS 7, CLMV8 và WEF - Mekong tại Hà Nội. Đây là dịp các nước thành viên kết nối và định hướng để cùng phát triển.

Tiểu vùng sông Mekong là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, thương mại cũng như triển vọng đầu tư, kinh doanh cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề lớn nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên, đặc biệt là giữa 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) với các nước còn lại trong ASEAN.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Do vậy, việc hình thành hợp tác Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong với ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển nội khối.

hoi nghi cap cao khu vuc Mekong anh 1
Các trưởng đoàn tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước CLMV tại Lào tháng 8/2016. Ảnh: Bộ Công thương

Hợp tác CLMV là hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của các nước thành viên, một mặt phát huy kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác. 6 lĩnh vực hợp tác của cơ chế này gồm thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, với mục tiêu chung bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.

Hợp tác ACMECS tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm thương mại – đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp – năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường.

Một trong những khía cạnh quan trọng của Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) và Hội nghị chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS) là kết nối cơ sở hạ tầng giữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây và phía Nam sẽ tạo điều kiện cho các nước dễ dàng trao đổi, giao lưu, phát triển kinh tế, du lịch và nguồn lực con người.

Tiểu vùng Mekong năng động, thịnh vượng

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, sau hơn 13 năm hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Khu vực Mekong đã trở thành khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng của ASEAN.

Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 7 và Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 được tổ chức tại Hà Nội sẽ có chủ đề: "Hướng đến một tiểu vùng Mekong năng động, thịnh vượng: nắm bắt cơ hội và định hình tương lai".

Đây là dịp để các nhà lãnh đạo xem xét tình hình thực hiện các kế hoạch hành động đã được thông qua, thống nhất các biện pháp hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực và ứng phó với các thách thức chung vì tương lai hòa bình, thịnh vượng của tiểu vùng Mekong.

Hơn nữa, trước bối cảnh khu vực đối mặt với nhiều thách thức, hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, là cơ chế để các nước tăng cường lòng tin với nhau, hợp tác về kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, giao thông, giải quyết vấn đề toàn cầu đặc biệt là vấn đề môi trường về khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong.

Việt Nam còn đóng góp sáng kiến tổ chức hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF - Mekong) lần thứ nhất, nhằm quảng bá tiềm năng kinh tế của Việt Nam cũng như của khu vực Mekong tới các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Điều này góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối khu vực Mekong.

Thủ tướng: Kết nối cần trở thành trọng tâm của hợp tác ASEM

Thủ tướng cho rằng, những vận hội và thách thức mới trong cục diện thế giới đòi hỏi ASEM phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác và hướng tới tầm cao mới trong thế kỷ 21.

Trà My

Bạn có thể quan tâm