Trước thông tin 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng việc các nước xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần phải đảm bảo tuân thủ công ước an toàn hạt nhân cùng các quy định liên quan của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
"Các nước cần bảo đảm không để ảnh hưởng an toàn và môi trường các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đề nghị phía Trung Quốc sớm cùng với Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi, thông tin thường xuyên về các dự án điện hạt nhân này", ông Bình nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Anh Tuấn |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Nga đang cân nhắc quay trở lại cảng Cam Ranh để khôi phục lại các căn cứ quân sự, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việt Nam muốn phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ 3 và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam", ông nói thêm.
Vừa qua, Trung Quốc đưa vào hoạt động 3 nhà máy điện hạt nhân gần với biên giới phía Bắc của Việt Nam. Gần nhất là nhà máy Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km. Nhà máy Xương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ hơn 100km.
Theo các chuyên gia, sự cố từ nhà máy hạt nhân là vô cùng nguy hiểm, do vậy Việt Nam cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu, quan trắc và đưa ra các giải pháp kịp thời khi có sự cố phóng xạ hạt nhân.
Các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển các lò phản ứng thế hệ mới cho ngành năng lượng hạt nhân đang phát triển nhanh chóng. Trung Quốc cũng đang cân nhắc xây dựng các nhà máy điện nổi cỡ nhỏ để tạo ra điện cho các đảo chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông.