Theo South China Morning Post, các nhà nghiên cứu đang thực hiện công tác nghiên cứu chuyên sâu về nhà máy điện hạt nhân, mang tên "Hedianbao" (bộ pin hạt nhân di động).
Lò phản ứng hạt nhân này nằm gọn trong một chiếc container, có chiều dài 6,1 m, chiều cao 2,6 m và tạo ra 10 megawatt nhiệt để chuyển đổi thành điện năng, phục vụ 50.000 hộ gia đình.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: SCMP |
Dù sản sinh ra lượng điện lớn và khử muối trong nước biển để sản xuất nước ngọt, các lò phản ứng "tí hon" có thể tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu một trong các lò hạt nhân gặp sự cố nghiêm trọng, các chất thải phóng xạ không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận mà còn theo các dòng hải lưu lan rộng ra khắp thế giới.
Một nhà nghiên cứu môi trường biển tại Đại học Hải dương Trung Quốc đã cảnh báo rằng việc xả nước nóng chứa chất phóng xạ từ nhà máy hạt nhân xuống đại dương có thể làm thay đổi hệ sinh thái của toàn bộ khu vực xung quanh hòn đảo. Điều này khiến các loài cá và sinh vật không đủ sức chống chọi, dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái.
"Nếu thảm họa hạt nhân xảy ra ở Biển Đông, nó không tác động ngay lập tức đến cuộc sống người dân trên đất liền vì khoảng cách địa lý rất xa. Nhưng các chất thải phóng xạ sẽ thâm nhập vào cơ thể của cá, các sinh vật biển khác và cuối cùng chúng xuất hiện trên bàn ăn của chúng ta. Dòng hải lưu cũng có thể mang theo các chất thải đến bờ biển ở xa", nhà nghiên cứu cho biết.
Dự án nghiên cứu này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển các lò phản ứng thế hệ mới cho ngành năng lượng hạt nhân đang phát triển nhanh chóng. Trung Quốc cũng đang cân nhắc xây dựng các nhà máy điện nổi cỡ nhỏ để tạo ra điện cho các đảo chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông.