Trong cuộc họp báo chiều nay, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền hợp pháp với hai quần đảo này".
"Là một quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, chúng tôi cho rằng Trung Quốc có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc do Lầu Năm Góc công bố ngày 7/6 cho biết Bắc Kinh đang ngang nhiên quân sự hóa các đảo nhân tạo do nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông bằng cách triển khai nhà chứa máy bay chiến đấu và nhiều loại vũ khí.
“Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các thực thể nhân tạo do nước này bồi đắp như những căn cứ quân sự - dân sự lâu dài nhằm tăng cường sự hiện diện của nước này trên Biển Đông, đồng thời nâng cao năng lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các thực thể này cũng như các không gian hàng hải lân cận”, báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay.
Vị trí quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên bản đồ. Đồ họa: Economist. |
Trong báo cáo công bố năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ từng nói rằng Trung Quốc đã hoàn tất việc bồi đắp các thực thể phi pháp trên Biển Đông, song chưa đề cập tới việc quân sự hóa của Bắc Kinh.
Năm nay, Lầu Năm Góc lần đầu tiên đề cập tới việc Trung Quốc triển khai tên lửa và xây dựng các nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện không còn mở rộng các đá trên Biển Đông, thay vào đó Bắc Kinh đang nỗ lực bổ sung thêm các cơ sở hạ tầng quân sự trái phép trên các đá này. Các cơ sở mới của Trung Quốc bao gồm các sân bay với đường băng dài, kho chứa nước và nhiên liệu, các cầu cảng lớn, nhà chứa máy bay chiến đấu, các cơ sở thông tin liên lạc, các kho chứa vũ khí, các doanh trại quân đội và các tòa nhà hành chính.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết thêm rằng Trung Quốc có thể sớm đưa các máy bay chiến đấu mới và hiện đại lên các đảo nhân tạo phi pháp này. Trong đó, hai mẫu máy bay tàng hình mới là J-20 và FC-31 có thể sẵn sàng đi vào hoạt động trong năm tới.