Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam ở đâu trong cuộc chiến 'trải thảm đỏ' cho các đoàn làm phim?

Các chính phủ trên toàn thế giới đang cạnh tranh để thu hút các dự án phim, với hy vọng rằng ngành du lịch sẽ được hưởng lợi nếu một bộ phim trở thành "cú hit" trên màn ảnh. 

Theo Nikkei Asia, các nước Đông Nam Á đang tăng cường nỗ lực thu hút các dự án phim bằng trợ cấp và ưu đãi về thuế, với hy vọng thúc đẩy du lịch, tạo việc làm và gặt hái những lợi ích khác từ màn bạc.

Trải sẵn thảm đỏ

Philippines vào tháng 10 đã quyết định mở rộng trợ cấp cho sản xuất phim từ 20% lên 25% chi phí, giới hạn ở mức 540.000 USD. Các tác phẩm sử dụng hoạt họa và thực tế ảo cũng đủ điều kiện nhận trợ cấp, bên cạnh phim truyện và phim tài liệu.

Bắt đầu từ tháng 3, Thái Lan đã tăng khoản hoàn thuế tối đa 20% đối với chi phí quay phim từ 75 triệu baht (2,13 triệu USD) lên 150 triệu baht.

du lich,  kinh te,  phat trien anh 1

Ninh Bình được du khách quốc tế biết đến nhiều hơn sau bộ phim Kong: Skull Island. Ảnh: Theaustralian.

Quốc gia này cũng miễn thuế thu nhập cho các diễn viên nước ngoài tham gia đóng phim trong 5 năm bắt đầu từ tháng 8.

Vào tháng 10, Bangkok đã thành lập Trung tâm điều phối làm phim Bangkok, chịu trách nhiệm hỗ trợ về địa điểm quay phim và xem xét các thủ tục. Trung tâm có thể cấp phép quay phim trong thời gian ít nhất là 3 ngày.

Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt ca ngợi động thái này giúp việc truyền tải quyền lực mềm của Thái Lan trở nên dễ dàng hơn.

Việt Nam cũng đang xem xét các biện pháp để thu hút các dự án làm phim. Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết các nước trên thế giới đã chứng minh rằng phim ảnh là một cách hiệu quả để quảng bá các điểm đến du lịch.

Trong "Kong: Skull Island" năm 2017, Tràng An - một địa điểm chưa được bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi - đã được sử dụng làm địa điểm quay phim. Hòn đảo quê hương của King Kong hiện là một địa điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích.

Hưởng lợi lớn

Chính phủ Thái Lan cho biết đã có 700-800 tác phẩm được quay ở nước này hàng năm từ năm 2015 đến 2019. Hơn 200 tác phẩm được quay trong nửa đầu năm 2023, tạo ra doanh thu khoảng 1,8 tỷ baht (gần 51 triệu USD).

Các dự án phim ước tính mang lại lợi ích kinh tế gấp 2,8 lần chi phí sản xuất, chủ yếu thông qua chi phí ăn, ở của đoàn làm phim. Ngoài ra, các dự án còn có khả năng tăng thu nhập và việc làm cho người dân.

Sự nổi lên của các nền tảng phát trực tuyến như Netflix đã thúc đẩy sự phát triển của các bộ phim được sản xuất tại Đông Nam Á. Đơn cử như bộ phim "A Travel's Guide to Love", một bộ phim hài lãng mạn lấy bối cảnh ở Việt Nam đã bắt đầu phát trực tuyến trên Netflix vào đầu năm nay.

du lich,  kinh te,  phat trien anh 2

"A Travel's Guide to Love" - một bộ phim lấy bối cảnh Việt Nam được chiếu trên Netflix. Ảnh: Netflix.

Bộ phim truyền hình King the Land được quay tại Thái Lan cũng bắt đầu phát sóng trên Netflix trong năm nay. Một nhà hàng ở Bangkok xuất hiện trong bộ phim đã trở thành điểm thu hút khách du lịch đến từ Hàn Quốc.

Thái Lan muốn biến phim ảnh thành một phần trong chiến lược quốc gia của mình. Đảng Pheu Thai cầm quyền cho biết vào tháng 9 sẽ thành lập Bộ thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí, học hỏi theo câu chuyện thành công của Hàn Quốc và Đài Loan.

Sự phổ biến của phim ảnh Hàn Quốc ở châu Á đã lan sang sự phát triển của ngành du lịch, đưa người tham quan đến các địa danh nổi bật từng xuất hiện trong loạt phim đình đám như "Tầng lớp Itaewon" và "Hạ cánh nơi anh".

Malaysia đã đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc đua thu hút sản xuất phim ảnh ở Đông Nam Á. Năm 2013, nước này triển khai chương trình Khuyến khích phim ở Malaysia nhắm vào ngành công nghiệp điện ảnh.

Các tựa phim nhận được ưu đãi từ chương trình này bao gồm "Crazy Rich Asians" được quay ở Singapore và Malaysia. Bom tấn toàn cầu được coi là ví dụ thành công trong việc thu hút khách du lịch đến Malaysia.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, ngành du lịch chịu trách nhiệm tạo ra 12% tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia Đông Nam Á. Du lịch chiếm khoảng 10% việc làm ở ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ. Sức mạnh của sự phục hồi nhu cầu du lịch sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm