Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á'

Bằng những nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, hai tác giả Brook Taylor và Sam Korsmoe đã cho thấy sự phát triển của Việt Nam trong cuốn "Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á".

Tại tọa đàm giới thiệu tác phẩm Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á, chuyên gia kinh tế Bùi Văn gọi hai tác giả Brook Taylor và Sam Korsmoe là "những doanh nhân, giảng viên đại học không nhìn Việt Nam bằng con mắt cảm tính, mà nhìn bằng nghiên cứu khoa học, ở tầm nhìn kinh tế vĩ mô". Tọa đàm diễn ra chiều 16/8 tại TP.HCM, trong khuôn khổ chương trình "Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt".

Nhìn Việt Nam từ con mắt khách quan

ngoi sao dang len anh 1

Bìa sách Vietnam: Asia's rising star. Bản tiếng Việt có tên Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á dự kiến phát hành trong tháng 8.

Xuất thân từ New Zealand, tác giả Brook đến Việt Nam lần đầu vào năm 1995 để hướng dẫn một nhóm sinh viên sau đại học. Ông ấn tượng trước quốc gia châu Á với những thanh niên có "nhiệt huyết và khả năng học hỏi tôi chưa từng thấy ở đâu".

Ông quay lại hướng dẫn một nhóm khác vào năm 1996, rồi năm 1997 được mời ở lại Việt Nam làm việc lâu dài. Ông chia sẻ rằng người New Zealand không xa lạ với chuyện di chuyển đến một quốc gia cách quê nhà hàng giờ bay để tìm kiếm công việc mơ ước. Đến nay, Brook đã gắn bó với công ty quản lý Quỹ VinaCapital được 17 năm, hiện giữ vị trí Giám đốc.

Sam Kormose từng là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội (1990-1991). Ông gợi nhớ về tuổi trẻ đầy đam mê và mong muốn được "nổi bật" khỏi hàng vạn sinh viên khác. Do đó, ông chọn đến Việt Nam, tham vọng góp phần vào công cuộc xây dựng quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt sau quá khứ.

Sau đó, Sam làm việc ở Việt Nam dưới vai trò nhà báo - nhà nghiên cứu, thực hiện cuốn sách đầu tiên (1993-2004). Năm 2018, ông quay lại Việt Nam để cùng chấp bút Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á.

Sam nhận ra ông sở hữu lợi thế của một người có thể quan sát Việt Nam như một bức tranh tổng thể rộng lớn, đưa ra những so sánh giữa các giai đoạn khác nhau trong vòng 30 năm qua.

Sườn cuốn sách đến từ bài thuyết trình mà Brook thường xuyên trình bày với những đoàn đến từ Mỹ, châu Âu... Trong những dịp như thế, Taylor nhận ra rằng người nước ngoài "không thực sự hiểu đất nước này", "họ giữ trong mình những định kiến sẵn có".

ngoi sao dang len anh 2

Tác giả Brook Taylor tại tọa đàm.

Việt Nam được biết đến nhiều nhất với hình ảnh chiến tranh. Vù vậy Brook thực hiện cuốn sách để những ai muốn tìm hiểu về đất nước có một "cẩm nang" để học nhanh, hiểu đúng về "Việt Nam hiện đại của 25, 30 năm qua, một Việt Nam đã đổi khác rất nhiều".

Taylor cũng cho rằng đa phần người Việt Nam cũng nhìn đất nước phát triển trong suốt 20 năm qua mà không thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra trên quê hương mình. Ông so sánh rằng mức GDP trên đầu người đã tăng từ 200 USD lên 4.000 USD trong 20 năm. Ấn tượng hơn nữa, tỷ lệ người nghèo giảm từ trên 50% xuống mức 3%. "Không nhiều quốc gia làm được điều đó," ông nói.

Giữ đà phát triển

Một phần của cuốn sách, hai tác giả đưa ra những giả thuyết để lý giải nguyên do đằng sau thành công này, nguyên do giúp Việt Nam tiếp tục giữ được đà phát triển và có khả năng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Sam nói rằng cuốn sách là một công trình "thử các giả thuyết". Trong đó, nhiều câu hỏi lớn, nhiều khía cạnh được hai tác giả sử dụng đa dạng các bộ dữ liệu và so sánh, đối chiếu với trường hợp các quốc gia khác để đưa ra lời giải đáp hợp lý.

ngoi sao dang len anh 3

Tác giả Sam Kormose tại tọa đàm.

Đơn cử, trong 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thành công thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, có những "con rồng châu Á" như Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore. Hai tác giả phân tích mô hình quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia này để có những đúc rút liên quan.

Brook nhận xét rằng thông thường các quốc gia được phân nhóm theo địa lý. Theo đó, Việt Nam thường được xếp vào nhóm các quốc gia Đông Nam Á và so sánh với Thái Lan, Indonesia. Nhưng ông cho rằng văn hóa có sức mạnh chi phối lớn hơn và nhìn từ khía cạnh này, Việt Nam là một quốc gia đậm đà văn hóa Đông Bắc Á.

Ông chỉ ra rằng những "con rồng châu Á" cũng vậy: Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc. Singapore tuy ở Đông Nam Á nhưng cũng là nền văn hóa Đông Bắc Á, chịu ảnh hưởng lớn từ Khổng giáo và Phật giáo.

Những nước kể trên đều không có tài nguyên thiên nhiên phong phú, họ luôn tâm niệm phải nỗ lực tự thân, phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và giáo dục.

Câu hỏi được người tham dự đặt ra là Việt Nam liệu có mắc vào bẫy của những nước giàu tài nguyên thiên nhiên - sinh ra tâm thế phụ thuộc, ý lại vào "của trời cho"? Giải đáp thắc mắc này, ông Taylor cho rằng thế mạnh của Việt Nam nằm ở nhân tố con người với tiềm lực học thuật tốt và hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế tài nguyên thiên nhiên để bật đà phát triển cho đất nước.

Một khác biệt của Việt Nam là sự tham gia của nữ giới trong các vị trí mà ở nhiều quốc gia vẫn do nam giới thống trị - nhà nghiên cứu, quản lý cấp cao ở các tổ chức, công ty, tập đoàn. Brook chia sẻ rằng hai tác giả dành một chương trong cuốn sách để bàn luận về điểm rất thú vị này.

Theo hai tác giả, cuốn sách cũng bàn luận nhiều khía cạnh khác như đóng góp của nền kinh tế thị trường và tạo điều kiện cho tự do thương mại vào sự giàu mạnh của một quốc gia. Nhìn lại Việt Nam 25 năm qua, Brook và Sam đồng thời vạch ra bản kế hoạch cho Việt Nam tương lai 25 năm tới, gợi nhiều suy nghĩ cho người làm chính sách, làm kinh tế.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Phong Khang

Bạn có thể quan tâm