Chip bán dẫn là thành phần quan trọng trong hầu hết thiết bị điện tử. Ảnh: Reuters. |
Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia là các nước có số lượng chip xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh trong năm nay. Về doanh số, Việt Nam hiện xếp hạng 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc), về xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ, theo báo cáo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông về lĩnh vực công nghiệp ICT công bố ngày 5/5.
Phát biểu tại Đài Bắc vào tháng 3, Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, cho biết trong những năm trở lại đây Mỹ có chiến lược chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang nhóm đối tác được coi là đáng tin cậy bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Đến tháng 2 năm nay, nhập khẩu chip của Mỹ đã tăng 17% so với năm ngoái lên 4,86 tỷ USD, theo dữ liệu của US Census. Châu Á chiếm 83% trong số chip nhập khẩu này.
Một công nhân kiểm tra chip bán dẫn trong quy trình đóng gói chip của Unisem. Ảnh: Reuters. |
Trong đó, lượng chip của Ấn Độ tăng 34 lần lên 152 triệu USD. Campuchia đạt mức tăng trưởng gần 7 lần lên gần 166 triệu USD, con số chưa từng có trong những năm trước. Việt Nam và Thái Lan, tăng xuất khẩu chip sang Mỹ lần lượt 75% và 62%. Đến nay, Việt Nam đã chiếm hơn 10% nhập khẩu chip của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.
Malaysia, một thị trường lâu năm về đóng gói chip, vẫn dẫn đầu về xuất khẩu sang Mỹ nhưng thị phần đã giảm 20% trong tháng 2. Đài Loan tăng xuất khẩu chip sang Mỹ 4,3% so với năm ngoái và chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu.
Chất bán dẫn là một thành phần thông minh quan trọng trong mọi thứ, từ máy tính, điện thoại đến thiết bị gia dụng, và mối quan hệ thương mại xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đã buộc cả 2 cân nhắc lại chiến lược chuỗi cung ứng. Số liệu đến nay cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử, theo Bloomberg.
Các quan chức Mỹ nhiều lần đã bày tỏ lo ngại về việc nước này phụ thuộc quá nhiều vào một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, chẳng hạn như Đài Loan và Hàn Quốc trong việc sản xuất các con chip tiên tiến nhất.
Tuy nhiên theo Chang, Mỹ không quá phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới về chip bán dẫn như họ nghĩ. Trên thực tế, khi tính đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm thiết kế chip, công cụ phần mềm, vật liệu, thiết bị, sở hữu trí tuệ và chế tạo, thì Mỹ chiếm 39% thị trường toàn cầu, ông Chang cho biết. Nhưng Mỹ dường như bị ám ảnh bởi chỉ một mắt xích trong chuỗi, đó là chế tạo, thể hiện qua việc đạo luật Chip dành phần lớn đầu tư cho mắt xích này và tìm cách đưa các nhà máy sản xuất chip về Mỹ bất chấp chi phí cao.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.