Một số chuyên gia nhận định việc thu hút dòng vốn rời khỏi Trung Quốc chỉ là ngắn hạn. Việt Nam cần lựa chọn các dự án công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để hướng đến kế hoạch phát triển dài hạn.
Trao đổi với Zing, ông Layne Hartsell - giáo sư nghiên cứu về triết học công nghệ tại Viện châu Á, nhà đồng sáng lập Verixeum Technologies - nói về triển vọng của Việt Nam vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu lao dốc vì đại dịch và xung đột thương mại.
Tham vọng dẫn đầu công nghệ của Trung Quốc
- Theo ông, đổi mới công nghệ có phải một trong những nguyên nhân chính giúp Trung Quốc bật lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới?
- Tôi cho rằng Trung Quốc đạt được vị thế kinh tế hiện tại nhờ sự kết hợp giữa đầu tư quốc tế, công nghệ nước ngoài, lực lượng lao động trong nước, hệ thống chính sách xã hội và tài nguyên thiên nhiên. Bắc Kinh cho phép đổi mới thị trường với một quy định nghiêm khắc. Đó là họ không chỉ muốn được đào tạo về công nghệ mà còn muốn tự phát triển nó.
Những mô hình tương tự từng được sử dụng ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Người Trung Quốc sau đó tận dụng quy mô nền kinh tế để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ xã hội, từ đó tạo ra thị trường tiêu dùng nội địa lớn mạnh.
Ông Layne Hartsell, giáo sư nghiên cứu về triết học công nghệ tại Viện châu Á. Ảnh: NV cung cấp. |
Giống với Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đưa các chuyên gia và người lao động trẻ tuổi sang nước ngoài để học hỏi kiến thức về công nghệ và kỹ thuật. Ngoài ra, họ còn mang nhiều phương pháp sản xuất về nước và gia tăng khả năng đổi mới. Sự đổi mới ngày càng mạnh mẽ ở Trung Quốc có thể đưa nền kinh tế tỷ dân vượt qua Mỹ trong thập kỷ này.
- Một số quốc gia như Mỹ và Nhật Bản đang đẩy mạnh di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, công nghệ có phải yếu tố khiến việc tìm kiếm một quốc gia thay thế Trung Quốc trở nên khó khăn?
- Đây là câu hỏi hay. Nền kinh tế toàn cầu đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Sẽ không có một con đường dễ dàng ở bất cứ đâu vào thời điểm này. Các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang bị phá vỡ, nhu cầu lao dốc và chẳng ai biết đến khi nào cuộc khủng hoảng mới kết thúc.
Chẳng hạn, Nhật Bản đã chính thức trượt vào một cuộc suy thoái sau khi xuất khẩu nước này giảm mạnh. Bản thân tôi vẫn chưa nhìn ra đâu là nơi chuỗi cung ứng có thể chuyển đến, thay đổi hoặc thiết lập lại. Trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuỗi cung ứng, nhưng việc này không hề dễ dàng.
Với tình trạng hiện nay, vết thương kinh tế sẽ còn lở loét. Hơn nữa, có một sự thật là chúng ta đang nói quá ít về môi trường tự nhiên và nhu cầu cơ bản của con người kể từ cuộc Đại suy thoái. Biến đối khí hậu vẫn đang diễn ra, nếu không tìm cách thay đổi, chúng ta có thể phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều.
Apple chuyển dây chuyền sản xuất Airpods sang Việt Nam. Ảnh: The Verge. |
- Vậy ông nghĩ sao về triển vọng của Đông Nam Á, khu vực được cho là phát triển nhanh và năng động nhất thế giới vào thời điểm hiện tại?
- Tại Đông Nam Á, Campuchia đã trải qua những thay đổi lớn về kinh tế từ thập niên 1990. Singapore và Malaysia đạt được một vài thành tựu lớn so với điều kiện kinh tế của khu vực trong quá khứ. Thái Lan cũng xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn tuy vẫn còn tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng.
Trong khi đó, Myanmar và Philippines có nguồn lực và tiềm năng to lớn nhưng gặp một vài vấn đề chính trị. Theo tôi, Việt Nam và Indonesia sẽ làm tốt hơn các quốc gia khác trong khu vực.
Indonesia là một quốc gia rộng lớn và dồi dào tài nguyên. Giống với Việt Nam và Thái Lan, phần lớn người Indonesia đều thành thạo Internet. Họ cũng nỗ lực gia tăng kiến thức và khả năng công nghệ từng ngày.
Đại dịch giáng đòn lên tất cả quốc gia trên toàn thế giới, nhưng một số nước có thể tận dụng cơ hội để thay đổi hướng phát triển. Đích đến của các quốc gia Đông Nam Á là "những con hổ châu Á”, tương tự "kỳ tích sông Hán" của Hàn Quốc. Đó là một quá trình có sự tham gia lớn của các chính phủ.
Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có tiềm năng kinh tế lớn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngay cả tại Mỹ, Boeing, một tập đoàn từng được xem là ví dụ rõ ràng nhất của thị trường tự do, giờ đã hoàn toàn phát triển trong khu vực công. Tình huống này cũng xảy ra đối với ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon và ngành công nghệ sinh học.
Bên cạnh đó, nỗ lực hội nhập kinh tế của ASEAN sẽ mang lại sự gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực và giúp ASEAN sớm trở thành đối trọng với sức mạnh nền kinh tế Đông Á. Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế và tiềm năng của các nước khu vực, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến sinh thái và xã hội.
Tận dụng bùng nổ phát triển công nghệ
- Việt Nam đang trải qua thời kỳ bùng nổ phát triển công nghệ với nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng 40% mỗi năm, và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Ông cho rằng Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội này để thu hút đầu tư hơn nữa?
- Việt Nam đã phải vượt qua rất nhiều thử thách kể từ thế kỷ XX và lịch sử đó không thể bị lãng quên. Đất nước của các bạn từng vực dậy từ những thiệt hại không thể kể xiết. Cùng với các kinh nghiệm đó, sự phát triển của xã hội và niềm tin là cơ sở giúp người Việt Nam xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chính phủ Việt Nam đóng vai trò lớn trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, chẳng hạn, Việt Nam đã gửi các sinh viên đến Hàn Quốc để nghiên cứu về chất bán dẫn. Những sinh viên này sau đó trở lại giảng dạy hoặc nghiên cứu nhằm gia tăng kiến thức và kỹ năng sản xuất tại Việt Nam.
Tôi từng có cơ hội dạy và làm việc với một vài người trong số họ ở Viện Tiên tiến Sungkyunkwan tại Hàn Quốc. Những bước phát triển như vậy sẽ dẫn đến các phát minh và đổi mới.
Việt Nam có khả năng đẩy mạnh nội địa hóa, từ đó xây dựng mạng lưới sản xuất rộng lớn với nguồn mở và ứng dụng kỹ thuật số. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một ví dụ quan trọng khác là khả năng tiếp cận Internet. Điều đó giúp mọi người kết nối với nhau trong nhiều lĩnh vực, nhưng quan trọng nhất là hợp tác sản xuất và thương mại điện tử. Tôi hy vọng sẽ chứng kiến lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ khi Việt Nam (cũng như nhiều quốc gia khác) đối mặt với thách thức đến từ đại dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế toàn cầu lao dốc.
Việt Nam có vị trí địa lý lý tưởng. Tôi tin rằng các bạn sẽ làm tốt để phát triển quan hệ thương mại, kiến thức và văn hóa trong khi vẫn bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Theo ông, Việt Nam đang ở đâu trong quá trình đổi mới công nghệ?
- Đổi mới công nghệ đến sau những lợi ích kinh tế khác. Phát triển xã hội từng là mục đích chính của Trung Quốc trước khi tăng trưởng kinh tế. Điều tương tự cũng xảy ra với Na Uy cho đến những năm 1970.
Với các xung đột thương mại và sự suy yếu nền kinh tế hiện nay, việc dự đoán tương lai là không đơn giản. Tuy nhiên, tôi hy vọng Việt Nam sẽ đẩy mạnh nội địa hóa, từ đó xây dựng mạng lưới sản xuất rộng lớn với nguồn mở và ứng dụng kỹ thuật số. Tôi tin rằng việc sản xuất nguồn mở sẽ mang lại kết quả cho nỗ lực to lớn của các nhà phát triển trong vài thập kỷ qua.
Quá trình đổi mới công nghệ sẽ diễn ra khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập thông qua các mạng lưới. Người Việt Nam đã làm rất tốt điều này và đang trên đà phát triển kinh tế nhanh chóng.