Theo đó, EVN sẽ nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện Nam Kong 2 (công suất 66 MW), Nam Kong 3 (công suất 54 MW) và Nam Emoun (công suất 129 MW). Các nhà máy này thuộc Công ty TNHH Năng lượng Chaleun Sekong.
Đồng thời, các nhà máy Nậm San 3A (công suất 69 MW) và Nậm San 3B (công suất 45 MW) thuộc cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô của Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) cũng sẽ cung cấp điện cho Việt Nam trong thời gian tới.
EVN vừa ký kết hợp đồng mua bán điện với 5 nhà máy của Lào. Ảnh: Duy Hải. |
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của EVN, lãnh đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã cho biết sẽ tăng nhập khẩu điện trong giai đoạn tới từ Lào lên 1.770 MW nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện. Báo cáo của A0 cho thấy giai đoạn 2021-2025, cả nước thiếu khoảng 41,7 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 là 209 tỷ kWh).
Do đó, lượng điện nhập khẩu trong các hợp đồng vừa ký kết này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa thiết thực theo chủ trương tăng cường mua bán điện giữa hai nước của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lào.
Trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết nước này đang nghiên cứu khả thi 20 dự án, trong đó có các dự án điện công suất cao. Hiện nay, Lào tập trung nguồn sản xuất, xây dựng đường dây Bắc - Nam để trao đổi thương mại điện với các nước trong khu vực.
Năm 2019, Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cũng đã hoàn thành đàm phán và ký Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ nhân chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án nhà máy thủy điện của Lào, gồm Nam Kong 1, 2, 3, Nam Emoun, cụm nhà máy Nậm Mô và dự án thủy điện Nậm Sum, từ đó tiến tới ký kết 5 hợp đồng mua bán điện vừa qua.