Sáng 25/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Xuyên suốt hội nghị là việc giải quyết nguy cơ thiếu điện đặt ra trong giai đoạn tới. Lãnh đạo EVN cho biết nhiệm vụ đặt ra với ngành điện là hết sức nặng nề.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), năm 2020, nguy cơ thiếu điện xuất phát từ hạn hán, thiếu nước tại các hồ chứa thủy điện, khó khăn cung cấp khí và than cho các nhà máy nhiệt điện, chậm tiến độ các dự án nguồn điện, nhu cầu gia tăng…
Lượng điện nhập khẩu từ Lào giai đoạn tới ước đạt 1.770 MW. Ảnh: Duy Hải. |
Hiện tại, nước về các hồ thủy điện trên cả nước dự báo hết năm 2019 đạt 24,41 tỷ m3, thấp hơn 11,2 tỷ m3 so với năm 2019. Quy ra điện, ước tính hụt sản lượng khoảng gần 4,6 tỷ kWh.
Trên hệ thống sông Đà, dự báo sau đợt xả nước đổ ải, lượng nước phục vụ còn lại 54% so cùng kỳ 2019. Như vậy sẽ thiếu nước cho phát điện, quy ra công suất khả dụng sẽ giảm 1.138 MW.
Theo tính toán của A0, giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ thiếu khoảng 41,7 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 là 209 tỷ kWh). Cụ thể, năm 2021 thiếu 6,6 tỷ kWh, năm 2022 thiếu 11,8 tỷ kWh, đỉnh điểm vào năm 2023 thiếu 15 tỷ kWh, năm 2024 thiếu 6,4 tỷ kWh và giảm vào năm 2025 khi thiếu 1,9 tỷ kWh.
Theo lãnh đạo A0, từ năm 2020 sẽ phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Trong đó, nhiệt điện than dự kiến chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện. Trong khi đó, có thể sẽ phải huy động 3,4-6 tỷ kWh điện chạy dầu. Giá diện chạy dầu rất đắt đỏ, vào khoảng 3.500-5.000 đồng/kWh, do đó EVN lo ngại sẽ mất cân đối về tài chính.
Về các giải pháp lâu dài, lãnh đạo A0 cho biết sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện đang chậm, đặc biệt là các dự án điện BOT ngoài EVN.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào để đối phó với thiếu điện. Năm 2020, dự kiến sản lượng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện. Lãnh đạo A0 cho biết sẽ tăng nhập khẩu trong giai đoạn tới từ Lào lên 1.770 MW.
Các giải pháp khác được nêu ra là huy động và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối…). Lãnh đạo A0 nhấn mạnh đến giải pháp là tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện.
Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 55.000 MW, tăng 6.320 MW so với năm 2018. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 209 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018, trong đó điện thương phẩm nội địa ước đạt 208 tỷ kWh, tăng trưởng 8,65% (miền Bắc tăng 8,9%, miền Trung tăng 9,3%, miền Nam tăng 8,3%)
Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đạt 88,2 điểm, tăng 0,24 điểm so với năm 2018, duy trì thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2019 ước đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng (tăng 16,4%).