Hôm 17/6, Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Australia công bố GPI năm 2014 dành cho 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bảng xếp hạng được xây dựng trên cơ sở 23 tiêu chí khác nhau từ mức độ tội phạm bạo lực và chi tiêu quân sự tới mối quan hệ với các nước láng giềng và tôn trọng nhân quyền.
Việt Nam nằm trong khu vực có chỉ số hòa bình cao trên thế giới. Ảnh: Viện Kinh tế và Hòa bình. |
Dẫn đầu danh sách là Iceland – quốc gia 3 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân GPI. Vị trí thứ hai và 3 lần lượt thuộc về Đan Mạch và Áo. Ba quốc gia nằm cuối bảng xếp hạng là Nam Sudan, Afghanistan và Syria.
Theo bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam xếp thứ 45/163 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc nhóm nước có chỉ số hòa bình cao trên thế giới. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 108.
Một trong các tiêu chí xếp hạng quan trọng nhất của GDI là "cái giá phải trả cho sự thiếu vắng hòa bình". Theo thống kê, các quốc gia trên thế giới đã “ngốn” khoảng 9,46 ngàn tỷ USD để “ngăn chặn và đối phó với bạo lực toàn cầu". Trong đó, theo The Washington Times, người Mỹ đã đóng góp một phần đáng kể. Và nước Mỹ không còn hiện diện trong top 100 quốc gia hòa bình nhất thế giới theo GDI.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế và Hòa bình, điểm trung bình của GDI toàn cầu đã giảm nhẹ so với năm ngoái. Nguyên nhân là do số lượng các cuộc xung đột, hoạt động khủ bố và lượng người tị nạn gia tăng.
Báo cáo về GPI cho rằng, hòa bình trên thế giới sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu tiết kiệm 7.000 tỷ USD mỗi năm. Hòa bình sẽ đưa đến nhiều thành tựu kinh tế và giảm chi phí trong việc đảm bảo an ninh. Số tiền tiết kiệm có thể sử dụng để đầu tư, giúp đất nước thịnh vượng hơn.