Thông tin về Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bị hoãn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Campuchia đang tích cực phối hợp với các nước thành viên về thời điểm và cách thức tổ chức lại hoạt động này trong thời gian tới.
"Việt Nam cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với nước chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia và các nước khác, thúc đẩy sớm tổ chức hội nghị này", bà Hằng nói với Zing trong cuộc họp báo chiều 20/1.
Đây là hội nghị như thường lệ nhằm đề ra các trọng tâm ưu tiên cho hợp tác ASEAN trong năm 2022, cũng như triển khai các công việc khác của ASEAN.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định lại là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy đoàn kết, hợp tác ASEAN.
"Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Campuchia, nước chủ tịch ASEAN 2022 và các nước thành viên khác, đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN, vì lợi ích của người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực", bà Hằng nói thêm.
Trước đó, Campuchia với tư cách là chủ tịch ASEAN 2022 đã thông báo tạm hoãn tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN do biến chủng của Covid-19 là Omicron diễn biến phức tạp, và một số bộ trưởng ngoại giao ASEAN không thể tham dự, theo bà Hằng. Sự kiện dự kiến diễn ra vào 18-19/1 tại Siem Reap.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 12/1 cho biết hội nghị thượng đỉnh ngoại trưởng các nước ASEAN dự kiến tổ chức ngày 19/1 bị hoãn vô thời hạn vì đại diện một số nước không thể dự họp trực tiếp, theo South China Morning Post.
Các nhà phân tích cho rằng ngoại trưởng một số nước từ chối tham dự cuộc họp nhằm tránh xuất hiện trong sự kiện mà nước chủ nhà Campuchia dự kiến mời ông Wunna Maung Lwin, Ngoại trưởng của chính quyền quân sự Myanmar.
Vì bị cho là thiếu hợp tác trong thực thi kế hoạch hòa bình 5 điểm, chính quyền quân sự tại Myanmar đến nay vẫn không được nhiều nước ASEAN như Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia công nhận là đại diện hợp pháp của nước này.
Trả lời Reuters, một nguồn tin ngoại giao cho biết cả rủi ro Omicron và bất đồng về Myanmar, đặc biệt là lời mời đối với ông Wunna, đều góp phần khiến cuộc họp bị hoãn.
“Một số bên đã có lập trường cứng rắn về vấn đề cụ thể này”, nguồn tin nói.
Đầu tháng 1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng cho biết lập trường của nước này sẽ không thay đổi cho đến khi chính quyền quân sự Myanmar thực hiện các cam kết với ASEAN, theo South China Morning Post.
Trong khi đó, Campuchia đã phát tín hiệu rằng Phnom Penh sẽ không loại bỏ đại diện chính quyền quân sự Myanmar khỏi các cuộc họp của ASEAN trong năm mà Phnom Penh giữ vai trò chủ tịch luân phiên.