Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam làm sao có những kẻ lắm lời nhưng rất duyên?

So sánh cái duyên của host (người “chủ xị”, dẫn chương trình) Việt Nam với các host nước ngoài là khập khiễng bởi nền công nghiệp giải trí, truyền hình của Việt Nam còn non trẻ.

Jimmy Fallon (Host của The Tonight Show with Jimmy Fallon) với clip quay Adele hát bản Hello. Ảnh: NBC.

Đội ngũ chuyên nghiệp sau lưng host

Bên cạnh lý do làng truyền hình Việt Nam còn chưa nhiều tài năng host thì sự khác biệt trong thị hiếu, khẩu vị nội dung của nhiều đối tượng khán giả cũng là một thách thức thú vị cho những host VN trong việc “think global, act local” - đại ý là tham khảo những cái hay từ nước ngoài để áp dụng linh hoạt, có hiệu quả với chương trình trong nước.

Dù vậy, nhiều người làm nghề vẫn tham khảo những chương trình và host quốc tế như là biện pháp để cập nhật thông tin. Ellen DeGeneres show là một hình mẫu đáng tham khảo cho nhiều bạn trẻ mơ ước thực hiện những chương trình talkshow (đối thoại) của riêng mình trên truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông phổ biến khác như Youtube.

Một chương trình talkshow hấp dẫn như The Ellen DeGeneges Show đạt thành công không thể chỉ dựa vào một mình người host là Ellen. Sau lưng bất kỳ người host nào cũng là một đội ngũ biên kịch và nhà sản xuất tài ba.

Sản phẩm khi lên sóng là thành quả của một tập thể với phần toả sáng của người host trong việc thể hiện và kết nối nội dung đến với khán giả.

Sáng tạo ra những nội dung vui nhộn, hài hước, hấp dẫn người xem là một việc không dễ. Bởi ranh giới giữa duyên dáng dí dỏm và vô duyên, lố lăng đôi khi rất mong manh.

Ở Viêt Nam, ngoài những show truyền hình thực tế lớn với chi phí đầu tư đắt đỏ, đa phần các chương trình talkshow đối thoại thường không có một đội ngũ sản xuất bài bản từ biên kịch cho đến người host chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, thị hiếu khán giả cũng rất quan trọng. Thế nào là sâu sắc, là có duyên? Thế nào là xàm xí, là lố lăng? Điều đó tuỳ thuộc vào cách cảm nhận của mỗi khán giả.

Cùng một cách dẫn, có người xem thấy vô duyên, nhưng có người xem cho là có duyên. Một show truyền hình thường chọn và có đối tượng “khán giả mục tiêu” riêng của show.

Nếu không phải thuộc đối tượng khán giả mà show nhắm tới thì cách cảm nhận cũng sẽ khác. Sự thành công của một chương trình nói chung hay một host nói riêng sẽ phụ thuộc vào nhận thức, khẩu vị hài hước, độ cởi mở của tư duy, nền tảng, bản sắc văn hoá, kiến thức của đối tượng “khán giả mục tiêu”.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cùng người dẫn chương trình Ellen DeGeneres nhảy trên nền nhạc ca khúc Uptown Funk trong show của Ellen. Ảnh: Ellen DeGeneres Show.

Khách mời cũng quan trọng

Với thể loại talkshow, sự duyên dáng của chương trình còn tuỳ thuộc vào cả nhân vật khách mời. Trong show của Ellen DeGeneres nói riêng hay các show của Mỹ nói chung, những nhân vật khách mời, dù nổi tiếng hay người bình thường, họ đều mang một phong cách văn minh, chuyên nghiệp.

Các ngôi sao đều có tài năng thực và khả năng giao tiếp tốt. Do đó khi cộng hưởng với một người host có duyên như Ellen, cuộc đối thoại sẽ thăng hoa.

Điều này dường như khó trọn vẹn trong một show đối thoại ở Việt Nam. Nếu người host chưa duyên thì một số khách mời cũng không thuộc dạng có khả năng nói chuyện tự nhiên, hấp dẫn, chưa kể thái độ thiếu chuyên nghiệp như trễ giờ, bệnh ngôi sao…làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình.

Khách mời càng “chịu chơi”, càng cởi mở với các chiêu trò vui nhộn trên trường quay bao nhiêu thì chương trình càng hấp dẫn. Đó là lý do vì sao tại Việt Nam hiện vẫn chưa nhiều những chương trình đối thoại hấp dẫn kiểu Ellen DeGeneres Show. 

Cần sự đồng bộ

Với sự cởi mở trong việc tiếp nhận thông tin trong kỷ nguyên Internet, nhu cầu và thị hiếu của khán giả Việt Nam sẽ thay đổi. 

Một sản phẩm nội dung mới sẽ luôn cần thời gian để điều chỉnh, từ khâu sáng tạo nội dung của người host và ekip sản xuất cho đến cả khả năng cảm nhận của khán giả.

Sự cải thiện đồng bộ của tất cả những yếu tố đó chắc chắn sẽ dọn đường cho sự xuất hiện của những tài năng cá nhân, những người dẫn chương trình duyên dáng.

Những kẻ lắm lời được yêu cầu tạm ngừng sản xuất.

Gần đây, sau nhiều lùm xùm tranh cãi, cuối cùng chương trình Những kẻ lắm lời - Bitches In Town (BIT) phát sóng trên YouTube được yêu cầu tạm ngừng sản xuất từ cơ quan chức năng.

Một lý do được nhắc đến nhiều nhất, dù là từ phía người ủng hộ hay phản đối show: đó là sự kém duyên, sử dụng từ ngữ khó nghe, xúc phạm người khác của 3 người host của BIT.

Khán giả có thể tiếc nuối rằng host của chương trình Những kẻ lắm lời lẽ ra nên duyên hơn, dí dỏm hơn, tinh tế hơn.

Giới hạn nào cho việc sử dụng ngôn ngữ ở một chương trình độc lập, được phát sóng chỉ trên kênh YouTube chứ không phải bất kỳ kênh truyền hình chính thống nào khác, sẽ là một chủ đề còn gây tranh cãi.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151201/viet-nam-lam-sao-co-nhung-ke-lam-loi-nhung-rat-duyen/1012834.html

Theo Trần Quốc Khánh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm