Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam là nước cuối ở châu Á dỡ lệnh cấm thịt bò Pháp

Sau 18 năm, thịt bò Pháp đã được nhập khẩu trở lại vào Việt Nam từ ngày 1/5. Bà Martine Pinville, Quốc vụ khanh Pháp, đã có trao đổi với Zing.vn về tương lai nông sản hai nước.

Đây là kết quả của những nỗ lực không biết mệt mỏi giữa Chính phủ 2 nước, diễn ra trong thời điểm quan trọng trong hợp tác song phương Việt - Pháp. 

Zing.vn đã có cuộc trao đổi về chủ đề thương mại Việt - Pháp và các vấn đề xuất nhập khẩu nông sản vào thị trường này với bà Martine Pinville, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại, nghề Thủ công và Kinh tế đoàn kết xã hội Pháp. Bà Martine Pinville đã nhiều lần đại diện cho Chính phủ Pháp sang và đàm phán với phía Việt Nam về vấn đề thương mại giữa 2 nước. 

- Theo bà, triển vọng của thịt bò Pháp tại Việt Nam có lớn không khi phải cạnh tranh với các quốc gia như Mỹ, Australia và chính nước chủ nhà?

- Vấn đề cạnh tranh của thịt bò Pháp sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù cùng là thịt bò nhập khẩu, mỗi loại sẽ có những nét riêng, tùy theo nguồn gốc. Thịt bò Pháp có nhiều đặc điểm riêng để có thể gây ấn tượng với người Việt. Mức giá của các loại cũng khác nhau và khá cạnh tranh. Qua các buổi làm việc với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy Việt Nam có nhu cầu với thịt bò Pháp. 

Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại, nghề Thủ công và Kinh tế đoàn kết xã hội Pháp, bà Martine Pinville. Ảnh: Anh Tuấn.

- Ngoài thịt bò, được biết kiwi cũng sẽ vào Việt Nam. Tại sao Pháp lại mong muốn nhập loại quả này sang Việt Nam trong khi kiwi chưa quá phổ biến với người Việt? 

- Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có nhu cầu và có thị trường tiêu thụ loại quả này. Nhìn vào cán cân thương mại giữa 2 nước, thặng dư Việt Nam rất lớn. Các bạn có thị trường tiêu thụ nên chúng tôi cố gắng xuất khẩu loại quả mà nước mình có thể trồng được. 

Nói đến nông nghiệp, chúng tôi sẽ xem xét và cố gắng có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn sang Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh, qua các cuộc đàm phán, Pháp luôn muốn tạo ra sự cân bằng về cán cân thương mại giữa 2 nước. 

- Bà đánh giá thế nào về triển vọng thương mại song phương Việt - Pháp?

- Tôi lạc quan về quan hệ hợp tác thương mại giữa Pháp và Việt Nam. Đây cũng chính là trọng tâm chuyến công tác lần này của tôi. Những người tiền nhiệm tôi cũng như Bộ trưởng phụ trách Thương mại, ông Matthias Fekl, cũng đều rất quan tâm tới Việt Nam. 

Chúng tôi nhận thấy sự cởi mở, hợp tác qua những cuộc trao đổi với cơ quan chức năng của Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa 2 nước. Hơn nữa, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử. Sự hợp tác sẽ giúp thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 dân tộc.

Sau 18 năm, thịt bò Pháp cuối cùng đã chính thức được nhập khẩu lại vào Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn.

- Khó khăn của Pháp trong lộ trình đưa thịt bò cũng như một số mặt hàng khác trở lại Việt Nam là gì?

- Việt Nam là nước châu Á cuối cùng dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Pháp. Để đạt được điều này, rất nhiều lãnh đạo Pháp đã sang và đàm phán với phía Việt Nam. Đây là lộ trình kéo dài qua nhiều năm. 

Không chỉ riêng thịt bò, táo, nhiều sản phẩm của Pháp khác như dược phẩm, đồ uống có cồn… cũng gặp khó khăn khi nhập khẩu vào nước các bạn. Lượng xuất khẩu hàng hoá Pháp không được như mong đợi do hạn chế quota từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nhận thấy 2 bên có tinh thần hợp tác rất rõ ràng và tích cực. Tôi hy vọng hàng hoá Pháp sẽ có mặt nhiều hơn ở Việt Nam trong tương lai.

- Sau thỏa thuận dỡ bỏ cấm nhập khẩu táo và bò, liệu Việt Nam có đạt được thoả thuận gì để nông sản Việt có thể vào Pháp thuận lợi hơn?

- Trước mắt, quả vải của Việt Nam đã trải qua kiểm duyệt và sẵn sàng với thị trường Pháp với giá rất cạnh tranh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xem xét việc nhập khẩu xoài từ Việt Nam và luôn ủng hộ các bạn xuất khẩu nông sản sang Pháp.

Chúng tôi hy vọng các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn do Liên minh châu Âu (EU) đề ra và có nguồn cung đều đặn. Hiện EU không đánh thuế hoa quả Việt Nam. Nếu sản phẩm của các bạn có thể được nhập khẩu vào Pháp thì cũng đủ khả năng tới tất cả các quốc gia EU.

Người Việt lại được ăn thịt bò Pháp sau 18 năm

Quốc vụ khanh Pháp, bà Martine Pinville khẳng định, việc Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm đối với thịt bò Pháp là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi giữa 2 nước.

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm