Sáng 21/11, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trả lời câu hỏi từ chiều qua của đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) về việc Nhà nước ta không chấp nhận cũng không cho phép những tờ báo gọi là lá cải hoạt động, nhưng thực tế chúng vẫn đưa tin vi phạm thuần phong mỹ tục, giật gân câu khách, mô tả chi tiết các hành vi phạm tội làm ảnh hưởng tới môi trường văn hóa xã hội, Bộ trưởng Son cho biết:
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son. |
Như luật Báo chí đã nêu, báo chí của nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện truyền thông thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và diễn đàn của nhân dân. Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng trong xã hội ta không có báo lá cải.
Song trên thực tế, một số tờ báo, có lúc có nơi có thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, không thực hiện đúng chỉ đạo định hướng dẫn đến những vi phạm như đã nêu trên.
“Có thể nói đó là biểu hiện của khuynh hướng báo lá cải chứ không phải báo lá cải, hiện tượng này cần loại bỏ ra khỏi đời sống báo chí”, Bộ trưởng Son nhấn mạnh.
Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chủ quản để kịp thời kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng như lãnh đạo cơ quan báo chí, duy trì quy trình làm báo tốt chắc chắn sẽ hạn chế và đi đến không còn sai phạm.
Bên cạnh đó, ông Son cho rằng cần tuyên truyền nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên để làm sao các phóng viên báo chí hiểu rằng muốn là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng này thì bản thân người phóng viên phải vừa đưa tin, vừa góp phần xây dựng lòng tin.
Cùng tăng cước 3G trong một ngày là ngẫu nhiên
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt câu hỏi về việc các nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G bắt tay nhau thỏa thuận đồng loạt tăng giá cước 3G tại cùng một thời điểm thì có vi phạm luật cạnh tranh không.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. |
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cho hay: Nếu 3 nhà mạng cùng bắt tay nhau để cùng tăng giá thì đúng là vi phạm luật cạnh tranh. Nhưng nếu họ vô tình cùng tăng giá ngẫu nhiên tại cùng một thời điểm thì chúng ta không thể nói là vi phạm được.
“Tăng giá là quy luật của thị trường, những lý do tăng giá như hôm qua tôi đã nêu, nhưng thời điểm tăng giá của 3 nhà mạng có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Mức độ tăng giá đối với từng gói của các doanh nghiệp có khác nhau, số lượng tăng giảm tuyệt đối cũng khác nhau”, ông Son nói.
Theo ông Son, chính vì điều này nên khi báo chí đưa lên, dư luận xã hội lên án, một Phó thủ tướng đã trực tiếp có văn bản chỉ đạo cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, cho Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh điều tra xem xét. Hiện các cơ quan này đang tiếp tục điều tra.
“Trong một ngày gần đây sẽ trả lời được câu hỏi này. Nếu 3 nhà mạng này bắt tay nhau để cùng tăng giá thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Son cho biết.
Luật tiếp cận thông tin gặp khó về tính khả thi
Phần câu hỏi của các đại biểu liên quan đến các dự án luật Báo chí sửa đổi, luật Tiếp cận thông tin được chuyển cho Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. |
Theo ông Hà Hùng Cường, Luật Báo chí sửa đổi đã nằm trong chương trình chuẩn bị của khóa 13, đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bắt tay nghiên cứu trình QH trong khóa này, nhất là sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi, bổ sung.
Liên quan luật Tiếp cận thông tin, ông Cường cho biết quyền được thông tin là quyền hiến định của công dân, có 3 nội dung chủ yếu là phạm vi thông tin được tiếp cận, trách nhiệm của cơ quan NN cung cấp thông tin cho công dân, trình tự thủ tục để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân.
Tuy nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự án luật nhưng nhiều người băn khoăn về tính khả thi, bởi thực hiện hiện luật Tiếp cận thông tin của công dân các nước đều có sự đầu tư rất lớn về nguồn lực kinh phí và con người. Năm 2009 ta bước vào thời kỳ khó khăn, tính khả thi đặt ra lớn. Vì thế, sau khi xem xét, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp bổ sung đầu tư thêm để trình trong kỳ họp tới.