Nội dung Sách Trắng 2016 của EU nhìn nhận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang chỉ ra cho khối doanh nghiệp EU cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên năng lực cạnh tranh cũng như thủ tục hành chính chưa hoàn thiện ở đây có thể khiến họ rời bỏ thị trường này mặc dù là rất hấp dẫn.
Nhiều ý kiến cho rằng dù đã kiến nghị nhiều năm nhưng việc áp thuế ở Việt Nam thiếu rõ ràng và nhất quán khiến họ nản lòng. Nếu Việt Nam không nhanh chóng thích nghi và tự thay đổi chính mình, những hậu quả có thể xảy đến là không hề nhỏ, các nhà đầu tư thậm chí sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam nếu hệ thống pháp luật và thuế quan không được thay đổi cho phù hợp.
Eurocham cho rằng Việt Nam đang tham gia một hệ thống đồ sộ các hiệp định về thuế với hơn 60 hiệp định có hiệu lực và các hiệp định mới đang được tiếp tục ký kết. Dù đã có nhiều bước tiến tích cực về luật pháp liên quan đến thuế cũng như trong việc giảm bớt thời gian làm thủ tục về thuế, Eurocham vẫn nhận thấy việc thực thi và tuân thủ luật pháp tại Việt Nam trên thực tế ngày càng khó khăn hơn.
Công nghiệp phụ trợ vẫn luôn là yếu điểm trong hội nhập Ảnh: VD |
Trong các FTA sắp tới có thể EVFTA đang là hiệp định tạo nên một áp lực lớn về cải cách hành chính và thuế quan. Vì đây luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu dối với khối doanh nghiệp của khu vực này. Ngay cả trong dự thảo của EVFTA cũng đành riêng một chương để đề cập đến thủ tục thuế quan. Trong đó những yêu cầu về công khai minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính và thời gian đóng thuế được đưa lên hàng đầu.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng nhận định, EVFTA đang là một hiệp định thương mại khó tính nhất trong các khu vực. Điều này thể hiện ở các hàng rào kỹ thuật rất cao, hơn hẳn các khu vực khác. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này, không những Việt Nam phải chấp nhận những hệ quả lớn do vi phạm quy định của hiệp định, mà còn có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư châu Âu sẽ không chọn cách đầu tư tại thị trường Việt Nam nữa.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân đang là yếu điểm lớn khi EU nhìn vào thị trường Việt Nam. Nỗi lo của họ chính là việc Nhà nước quan thiệp quá sâu vào lĩnh vực kinh doanh của họ nên năng lực cạnh tranh có phần hạn chế. Việc Chính phủ đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là một lời cảnh báo đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định khi hội nhập.
Theo ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, EVFTA sẽ kích hoạt một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của EU vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu cũng như giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điều này phải được hỗ trợ bằng chính khu vực tư nhân của Việt Nam. Khu vực này phải tăng cường cung cấp giá trị cho các công ty châu Âu tại Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài”
Đây không phải là lần đầu tiên các thủ tục hành chính, thuế quan của Việt Nam bị các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cảnh báo. Cách đây chưa lâu, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã bày tỏ những bức xúc về sự rườm rà, thiếu mình bạch của thủ tục hành chính và thuế quan. Đặc biệt phí bôi trơn vẫn tồn tại khá nhiều khi các doanh nghiệp đặt vấn đề làm ăn tại đây. Như vậy khi hội nhập những vấn đề này luôn là nguyên nhân khiến Việt Nam tụt hậu so với các thị trường cạnh tranh trong khu vực.